Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

FITHOU - 20 năm nhìn lại (1)

Những chặng đường
tiến đến kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển
KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI
FITHOU

Đây không phải là một bản báo cáo tổng kết nhàm chán hay là những trang sử biên niên khô khan thông thường . Đây là những hồi ức cá nhân  được ghi lại về những kỷ niệm, những sự việc, những câu chuyện đã xẩy ra, trộn với những suy nghĩ riêng tư của tác giả trong những ngày đã sống, đã làm việc, đã yêu thương, đã căm ghét, đã vui và đã buồn trong 20 năm qua dưới mái nhà thân yêu của Khoa Công nghệ Thông tin – Viện Đại học Mở Hà Nội  – với phương châm là chuyện vui thì cố nhớ, nhớ nhiều và nhớ lâu hơn còn chuyện buồn thì gắng mà quên bớt –
1993 – 2013: Hai mươi năm! Một đời người có được bao nhiêu lần 20 năm???

Ңеқоґда! Ңекоґда !
Я никогда не забуду этот сладкие воспоминания долгое время.

Thái Thanh Sơn



GS THÁI THANH SƠN
Chủ nhiệm Khoa đầu tiên của FITHOU

Sau 30 năm của hai cuộc chiến tranh 1945 -1975, tiếp đó là hệ quả nặng nề của hơn một thập kỷ cấm vận của đế quốc Mỹ và phe lũ, vào khoảng đầu những năm 80 của Thế kỷ trước, đất nước chúng ta đang ở một tình trạng cực kỳ khó khăn về phát triển kinh tế, xã hội. Do những điều kiện lịch sử, Việt Nam lúc đó ở vào một vị thế tách rời với cộng đồng thế giới đang phát triển bùng nổ trong thời kỳ của Nền kinh tế mới – Nền kinh tế Thông tin, nền kinh tế Tri thức, nền kinh tế Số.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển kinh tế tri thức (KTTT) với tư cách là một yếu tố mới cấu thành đường lối Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.
 Đại hội XI Đảng CSVN tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển KTTT...”. Điều đó thể hiện sự nhất quán, tầm nhìn xa và tính nhạy bén của Đảng về vấn đề này.
Cho đến những ngày đầu bước vào thời kỳ của công cuộc ĐỔI MỚI, đội ngũ trí thức của chúng ta, bao gồm cả những người được đào tạo trong nước  và ở các nước XHCN Đông Âu cũ cũng như một số rất ít trí thức trước CM Tháng 8 và những người được đào tạo trong chế độ cũ ở Miền Nam trước ngày giải phóng, đã thực sự không còn đáp ứng được cho nhu cầu phát triển nhanh chóng của công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa trước mắt, về mặt số lượng và cả về một số khía cạnh nào đó của mặt chất lượng.
Nhà nước nói chung và ngành Giáo dục – Đào tạo nói riêng cần tìm đến những đường lối, những phương thức đào tạo mới.
Một trong những thể hiện của đường lối đó của Nhà nước là Quyết định số 2236/TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/02/1990, thành lập Viện Đào tạo Mở rộng I ở Hà Nội và Viện Đào tạo Mở rộng II ở TP Hồ Chí Minh.
Đây là hai tổ chức  đào tạo sau Trung học (Tertiary Education) được giao nhiệm vụ tìm tòi, nghiên cứu phương thức hoàn toàn mới nhằm có thể đáp ứng cho nhu cầu NÂNG CAO DÂN TRÍ, ĐÀO TẠO NHÂN LỰC của Thời kỳ đổi mới.
·       Phần I: BƯỚC ĐẦU CHẬP CHỮNG (1992 – 1993)
Trong năm đầu tiên sau khi thành lập, Viện ĐTMR I thử nghiệm tổ chức một vài Trung tâm – thiên về mặt dạy nghề - đào tạo cán bộ trình độ sơ/trung cấp cho một số “NGHỀ” đang có nhu cầu thực tiễn nóng : Trung tâm Tiếng Anh, Trung tâm Tin học và Trung tâm sửa chữa cơ khí.
Trung tâm Tin học, được “ưu tiên trang bị” 5 chiếc máy tính XT “Quả táo” (không có ổ cứng) do Cô LÊ HỒNG NGA, nguyên đại úy thuộc Tổng cục Thông tin chuyển ngành phụ trách. Trước mắt, học tập kinh nghiệm của Trung tâm Tin học ở Đại học Bách khoa HN và một số Trung tâm dạy nghề của Hội Tin học Việt Nam, Trung tâm Tin học Viện ĐTMR I đã đào tạo được một số khóa học viên biết một số kiến thức cơ bản về Tin học văn phòng: sử dụng hệ điều hành MS DOS, soạn thảo văn bản bằng BKed, sử dụng hệ quản tri Cơ sở dữ liệu FOXBase, sau đó tiến lên FOXPRO, dùng bảng tính Lotus 123…thời gian đào tạo mỗi khóa từ 3 đến 6 tháng.
*Năm 1992, Bộ GD-ĐT điều động PGS-TS NGUYỄN KIM TRUY nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Hóa chất ĐHBKHN về làm Viện trưởng Viện ĐTMR I khi Viện trưởng đầu tiên là  Kỹ sư TRẦN ĐÌNH TÂN nghỉ hưu. Để tăng cường năng lực cán bộ về các ngành khoa học và công nghệ, Viện trưởng Nguyễn Kim Truy, bằng quan hệ của mình với ĐHBK Hà Nội và với bạn bè trong giới khoa học, đã đề xuất và được  Bộ GD-ĐT cũng như trường ĐHBK và các cơ quan hữu quan khác chấp thuận biệt phái  GS - TSKH LÊ VĂN NHƯƠNG, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ sinh học và PGS-TS THÁI THANH SƠN, Phó Giám đốc Đại học Đại cương, TS Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Khoa Kỹ sư kinh tế của ĐHBKHN, PGS-TS VŨ TIẾN CẢNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, TS HỒ PHONG TƯ và TS NGUYỄN VĂN LUẬT, cán bộ cao cấp thuộc Văn phòng chính phủ, và PGS-TS NGUYỄN NGỌC DŨNG ở Trường Văn hóa nghệ thuật… sang công tác kiêm nhiệm ở Viện Đào tạo MR I nhằm chủ trì chuẩn bị xây dựng một số ngành học về công nghệ ở bậc đại học.
*Hai cán bộ đầu tiên của Khoa Tin học được PGS Thái Thanh Sơn nhận về là Cao Mạnh Toàn, nguyên đại úy, giáo viên của một trường kỹ thuật trong quân đội, đã chuyển ngành về Đại học đại cương ĐHBK Hà Nội rồi từ đó chuyển sang và Nguyễn thị Thanh Thủy, sinh viên giỏi tốt nghiệp từ Đại học Thăng Long - hồi đó là một Trung tâm đại học ngoài công lập duy nhất tại Việt Nam do Hội trí thức người Việt tại Pháp đỡ đầu, do đó  có cơ sở thực tập máy tính vào loại rất tốt so với nhiều trường công lập đồng thời. Hai người này mãi về sau vẫn là những cán bộ cốt cán, đảm nhiệm khâu quản lý đào tạo và quản lý sinh viên trong Khoa
*Thành công quan trọng đầu tiên của Khoa CNTT sau này là đã vận động và mời được một số nhà khoa học hàng đầu Việt Nam thời đó trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Toán kinh tế và Quản lý về tham gia Hội đồng Khoa học và Đào tạo khóa I gồm:
1.  Cố vấn khoa học :                GS-TSKH PHAN ĐÌNH DIỆU, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nhà nước, Viện trưởng Viện CNTT
2.  Chủ tịch                              PGS-TS THÁI THANH SƠN
3.  Phó chủ tịch thường trực:  PGS-TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
4,  Phó chủ tịch:                       PGS-TS NGUYỄN XUÂN HUY
5.  Ủy viên:                           GS-TS BẠCH HƯNG KHANG                                      
6.    ..                                       PGS–TS NGUYỄN GIA HIỂU
7.    ..                                       PGS-TSKH NGUYỄN QUANG THÁI
8.    ..                                       PGS-TS PHẠM VĂN ẤT
9.    ..                                       GVC-NGƯT DƯƠNG VIẾT THẮNG
10. ..                                        PGS – TS NGUYỄN ĐỊCH
11. ..                                        TS NGUYỄN THANH THỦY



GS PHAN ĐÌNH DIỆU
Cố vấn khoa học của Hội đồng khoa học đầu tiên

Các ủy viên trong Hội đồng đã thực sự nhiệt tình bắt tay xây dựng  đề án tổ chức đào tạo ngành CNTT bậc đại học tại Viện Đào tạo Mở rộng I Hà Nội với mục tiêu đào tạo, phương thức đào tạo đổi mới trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.
*Ngày 28/10/1992 Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định cho phép đào tạo “thí điểm” bậc đại học cho 4 ngành: Quản trị doanh nghiệp, Kế toán. Tiếng Anh và Tin học tại Viện ĐTMR I. Do kỳ thi tuyển sinh năm 1992 chung toàn quốc đã thực hiện xong trong tháng 7/1992 nên Bộ cho phép Viện ĐTMR I tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của từng ngành vào đầu năm 1993. Để quản lý công tác đào tạo theo đúng qui chế đào tạo đại học, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội ra QĐ số: 21/TCCB ngày 04/3/1993, thành lập 3 tổ chức quản lý đào tạo thuộc Viện là : Khoa Tin học, Khoa Ngoại ngữ và Khoa Quản trị - kinh doanh. Vì khi đó Viện Đào tạo Mở rộng I chưa được phép hoạt động theo qui chế trường đại học nên sau khi Viện Đại học Mở Hà Nội thành lập ngày 3/11/1993, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã ký QĐ số 2663/ QĐ-TCCB, ngày 1/12/1993 chính thức hóa công nhậ 3 Khoa nói trên là Khoa đào tạo bậc đại học). Sau một thời gian chuẩn bị, xây dựng chương trình, tổ chức bộ máy quản lý và đặc biệt quan trọng là mời và được Bộ phê duyệt đội ngũ giảng viên, Khoa Tin học tổ chức chiêu sinh (qua thi tuyển) và ngày 15/3/1993 đã khai giảng khóa đào tạo bậc đại học ngành CNTT đầu tiên của Khoa với phiên hiệu là khóa 93-01A gồm 36 sinh viên cùng với lớp Chuyển tiếp và văn bằng 2 với phiên hiệu khóa 91-01A gồm 32 sinh viên: Tổng cộng toàn Khoa ngày khai giảng chỉ có đúng 68 sinh viên.
Khoa lấy tên chính thức là KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN- ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI – Faculty of Information Technology – Hanoi Open University – FITHOU và lấy

                  Ngày 15/3 hàng năm là ngày truyền thống của Khoa

Sau này mãi đến ngày 03/11/1993 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định số 535/TTG thành lập Viên ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI hoạt động theo qui chế trường đại học công lập.(Một điều vui vui có thể gây khó hiểu là Khoa lại được thành lập trước Viện!)
Theo quyết định thành lập ngày của Bộ Giáo dục và đào tạo, Khoa Công nghệ Thông tin Viện Đại học Mở Hà Nội được phép đào tạo  KỸ SƯ TIN HỌC:ở bậc đại học, mã ngành đào tạo là: 01.02.10,  với hai chuyên ngành:
- Chuyên ngành 01 - Tin học quản lý
- Chuyên ngành 02 - Tin học ứng dụng
- Các hệ đào tạo :
    +
Hệ  chính quy
    +
Hệ vừa học vừa làm ( tại chức cũ )
    +
Hệ đào tạo  từ xa
Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu bức thiết của xã hội , dựa theo kinh nghiệm đào tạo mềm dẻo (flexible training) của nước ngoài, phù hợp với đường lối đa dạng hóa loại hình đào tạo, mở cơ hội học tập cho mọi người của Viện Đại học Mở Hà Nội, Khoa đã chủ động đề nghị Viện báo cáo với Bộ cho phép thử nghiệm 2 loại hình đào tạo mới. Hệ “chuyển tiếp” lấy sinh viên đã học xong giai đoạn một - thời đó giáo dục đại học còn thực hiện đào tạo theo 2 giai đoạn : giai đoạn đại học đại cương 1,5 đến 2 năm (tùy theo ngành) và giai đoạn chuyên ngành 2 đến 3 năm. Hệ “Chuyển đổi bằng”.tiếp nhận những người đã có 1 bằng đại học, nay muốn học thêm văn bằng thứ hai về chuyên ngành công nghệ thông tin. Khóa đào tạo đầu tiên của hệ này lấy phiên hiệu là 91- 01 với 32 sinh viên nhập học (xét tuyển theo hồ sơ, không thi tuyển) cùng khai giảng trong ngày 15/3/1993. Vì nhu cầu học của đối tượng này rất lớn nên  ngay tiếp sau đó 6 tháng lại tuyển thêm khóa 91-02 có 67 sinh viên (xét tuyển) khai giảng vào thời điểm tuyển sinh hệ chính qui năm 1993 của cả nước.
Cho đến thời điểm năm 1993, trong cả nước chưa có tiền lệ về hai loại hình đào tạo mềm dẻo đó nên việc tiến hành các hệ đào tạo này gặp không ít khó khăn khi phải chứng minh được sự cần thiết  và nhất là đảm bảo chất lượng đào tạo của các hệ đó. Mãi đến năm 1995, sau khi đã có những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, vẫn còn vướng mắc về chuyện cấp bằng: đầu tiên Bộ và Viện chỉ đồng ý cấp bằng đào tạo theo hệ vừa học vừa làm, gần 2 năm sau mới được đổi lại thành bằng đại học hệ chính qui! Đến năm 1993, khóa sinh viên hai hệ chuyển đổi bằng – phiên hiệu 01-91-A01 và hệ chuyển tiếp – phiên hiệu 02-91-A01 tuy chỉ có 27 sinh viên tốt nghiệp (Sĩ số nhập học là 38) nhưng  đã là một thực tế chứng minh rằng chủ trương đào tạo hai hệ này là hoàn toàn đúng đắn, 100% sinh viên tốt nghiệp được các cơ sở sử dụng tiếp nhận và nhiều người đã được giao trách nghiệm làm nòng cốt xây dựng cơ sở cho việc ứng dụng CNTT ở cơ quan mình.
Một chi tiết khá thú vị là lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên khóa này trùng vào dịp đang có một hội thảo quốc tế về CNTT do ĐHBK HN đăng cai và do TS Nguyễn Thanh Thủy, giảng viên ĐHBK HN và là ủy viên Hội đồng khoa học và đào tạo của Khoa chủ trì. TS Nguyễn Thanh Thủy đã đề nghị Viện ĐH Mở HN đồng ý mời 2 giáo sư Pháp đến tham dự buổi bảo vệ tốt nghiệp của 27 sinh viên (khi nhập học là 32) cùng với nhiều nhà khoa học đầu ngành ở các trường Đại học Bách khoa HN, Đại học Tổng hợp HN và các Viện Toán học, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện khoa học Việt Nam.. Trong khóa này có sinh viên Ninh Đức Thành, trước đây học xong Đại học đại cương ở ĐH Thăng Long và đã đi thực tập Cao đẳng kế toán ở Pháp, sau đó về tham dự đào tạo chuyển tiếp lên Kỹ sư Tin học tại Khoa. Để các giáo sư Pháp có thể nghe và hỏi thử thí sinh, Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp (trong đó có nhiều người thành thạo tiếng Pháp) đã đề nghị anh Ninh Đức Thành báo cáo bằng 2 thứ tiếng và trả lời trực tiếp bằng tiếng Pháp các câu hỏi của các giáo sư Pháp và của Hội đồng. Việc làm này làm cho nhiều người đến dự buổi bảo vệ tốt nghiệp (trong đó không ít người quản lý đào tạo và giảng viên ở các Trường bạn đến “thăm dò, xem xét” rất ngạc nhiên, thích thú và cũng góp thêm uy tín cho Khoa.


Kinh nghiệm đào tạo thành công bước đầu của hai hệ đó đã góp phần làm cơ sở thực tiễn để sau này đến những năm 1996, 1997 Bộ Giáo dục và đào tạo chính thức cho phép đào tạo cho nhiều chuyên ngành ở nhiều trường đại học trên phạm vi cả nước hai hệ đào tạo mới: Hệ Văn bằng 2 – tức là hệ chuyển đổi bằng của Khoa, và hệ Hoàn chỉnh kiến thức – tức là hệ chuyển tiếp của Khoa (từ thời điểm 1998 về sau, bậc đại học không đào tạo theo 2 giai đoạn nữa nên nguồn tuyển sinh hệ hoàn chỉnh kiến thức là  những sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng chuyển lên). Khóa tuyển sinh đào tạo chính qui đầu tiên của Khoa lấy phiên hiệu là  00-93A-01 đến năm 1997 tốt nghiệp chỉ có 27 sinh viên nhưng đã đánh dấu một cột mốc quan trọng về năng lực tổ chức và đào tạo của Khoa – đơn vị đào tạo bậc đại học ngành CNTT trẻ nhất trong số 7 đơn vị đào tạo ở các trường đại học công lập trong cả nước bên cạnh các trường đại học lớn có truyền thống lâu năm như: ĐH Bách khoa HN và TPHCM, ĐH quốc gia HN và TPHCM, Học viện kỹ thuật quân sự và Học viên Bưu chính viễn thông.


Kéo xuống, nhấn vào: "bài đăng cũ hơn" ở cuối trang để xem tiếp phần 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét