FITHOU sử lược

Thứ tư, ngày 22 tháng tám năm 2012


Hướng đến kỷ niệm 20 năm thành lập FITHOU (1)


Aug 22, 2012 2:25 PMPublicPageviews 146 1




Những chặng đường tiến đến kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển
của KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI – FITHOU

(Bài 1)

Sau 30 năm chiến tranh 1945-1975, tiếp đó là hệ quả nặng nề của hơn một thập kỷ cấm vận, vào khoảng đầu những năm 80 của Thế kỷ trước, đất nước chúng ta đang ở một tình trạng cực kỳ khó khăn về phát triển kinh tế, xã hội. Do những điều kiện lịch sử, Việt Nam lúc đó còn ở vào một vị thế tách rời với cộng đồng thế giới đang phát triển bùng nổ trong thời kỳ của Nền kinh tế mới – Nền kinh tế Thông tin, nền kinh tế Tri thức, nền kinh tế Số.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, lần đầu tiên Đảng ta đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển kinh tế tri thức (KTTT) với tư cách là một yếu tố mới cấu thành đường lối Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Đến Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển KTTT...”. Điều đó thể hiện sự nhất quán, tầm nhìn xa và tính nhạy bén của Đảng ta về vấn đề này.
Cho đến những ngày đầu bước vào thời kỳ của công cuộc ĐỔI MỚI, đội ngũ trí thức của chúng ta, bao gồm cả những người được đào tạo trong nước  và ở các nước XHCN Đông Âu cũ cũng như một số rất ít trí thức trước CM Tháng 8 và những người được đào tạo trong chế độ cũ ở Miền Nam trước ngày giải phóng đã thực sự không còn đáp ứng được cho nhu cầu phát triển nhanh chóng của công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa trước mắt, về mặt số lượng và cả về một số khía cạnh nào đó của mặt chất lượng. Nhà nước nói chung và ngành Giáo dục – Đào tạo nói riêng  cần tìm đến những đường lối, những phương thức đào tạo mới.
Một trong những thể hiện của đường lối đó của Đảng và Nhà nước là Quyết định số 2236/TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/02/1990, thành lập Viện Đào tạo Mở rộng I ở Hà Nội và Viện Đào tạo Mở rộng II ở TP Hồ Chí Minh. Đây là hai tổ chức  đào tạo sau Trung học (Tertiary Education) được giao nhiệm vụ tìm tòi, nghiên cứu phương thức hoàn toàn mới nhằm có thể đáp ứng chon nhu cầu NÂNG CAO DÂN TRÍ, ĐÀO TẠO NHÂN LỰC của Thời kỳ đổi mới.
 ·     BƯỚC ĐẦU CHẬP CHỮNG (1992 – 1993)
Trong năm đầu tiên sau khi thành lập Viện ĐTMR I mò mẫm thử nghiệm tổ chức một vài Trung tâm – thiên về mặt dạy nghề - đào tạo cán bộ trình độ sơ cấp cho một số “NGHỀ” đang có nhu cầu thực tiễn nóng : Trung tâm Tiếng Anh, Trung tâm Tin học và Trung tâm sửa chữa cơ khí.
Trung tâm Tin học, được “ưu tiên trang bị” 5 chiếc máy tính XT “Quả táo” (không có ổ cứng!) do Cô LÊ HỒNG NGA, nguyên đại úy thuộc Tổng cục Thông tin chuyển ngành phụ trách. Trước mắt, học tập kinh nghiệm của Trung tâm Tin học ở Đại học Bách khoa HN và một số Trung tâm dạy nghề của Hội Tin học Việt Nam, Trung tâm Tin học Viện ĐTMR I đã đào tạo được một số khóa học viên biết một số kiến thức cơ bản về Tin học văn phòng: sử dụng hệ điều hành MS DOS, soạn thảo văn bản bằng BKed, sử dụng hệ quản tri Cơ sở dữ liệu FOX Base, sau đó tiến lên FOXPRO, dùng bảng tính Lotus 123…thời gian đào tạo mỗi khóa từ 3 đến 6 tháng
Năm 1992, Bộ GD-ĐT điều động PGS-TS NGUYỄN KIM TRUY nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Hóa chất ĐHBKHN về làm Viện trưởng Viện ĐTMR I khi Viện trưởng đầu tiên là  Kỹ sư TRẦN ĐÌNH TÂN nghỉ hưu.
Để tăng cường năng lực cán bộ về các ngành khoa học và công nghệ, Viện trưởng Nguyễn Kim Truy, bằng quan hệ của mình với ĐHBK Hà Nội và với bạn bè trong giới khoa học, đã đề xuất và được  Bộ GD-ĐT cũng như trường ĐHBK chấp thuận biệt phái  GS - TS LÊ VĂN NHƯƠNG, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ sinh học và PGS-TS THÁI THANH SƠN, Phó Giám đốc Đại học Đại cương của ĐHBK sang công tác kiêm nhiệm ở Viện Đào tạo MR I để chuẩn bị xây dựng một số ngành học về công nghệ ở bậc đại học. Hai cán bộ đầu tiên của Khoa được PGS Thái Thanh Sơn nhận về là Cao Mạnh Toàn, nguyên đại úy, giáo viên của một trường kỹ thuật trong quân đội, từ Đại học đại cương ĐHBK Hà Nội chuyển sang và Nguyễn thị Thanh Thủy, sinh viên giỏi tốt nghiệp từ Đại học Thăng Long - hồi đó là một Trung tâm đại học ngoài công lập duy nhất tại Việt Nam do Hội trí thức người Việt tại Pháp đỡ đầu, do đó nên cơ sở thực tập máy tính vào loại rất tốt so với nhiều trường công lập đồng thời. Hai người này mãi về sau vẫn là những cán bộ cốt cán, đảm nhiệm khâu quản lý đào tạo và quản lý sinh viên trong Khoa
Thành công quan trọng đầu tiên của Khoa CNTT - và mãi cả về sau này - là đã vận động và mời được một số nhà khoa học hàng đầu Việt Nam thời đó trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Toán kinh tế và Quản lý tự nguyện về tham gia Hội đồng Khoa học và Đào tạo khóa I gồm:
1.    Chủ tịch :  GS-TSKH PHAN ĐÌNH DIỆU, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nhà nước, Viện trưởng Viện CNTT
2.    Phó chủ tịch thường trực: PGS-TS THÁI THANH SƠN
3.    Phó chủ tịch: PGS-TS NGUYỄN XUÂN HUY
4.    Ủy viên: GS-TS BẠCH HƯNG KHANG
5.    ..            PGS-TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
6.    ..            PGS–TS NGUYỄN GIA HIỂU
7.    ..            PGS-TSKH NGUYỄN QUANG THÁI
8.    ..            PGS-TS PHẠM VĂN ẤT
9.    ..            GVC-NGƯT DƯƠNG VIẾT THẮNG
10.  ..           PGS – TS NGUYỄN ĐỊCH
11.  ..           TS NGUYỄN THANH THỦY
Các ủy viên trong Hội đồng đã thực sự nhiệt tình bắt tay xây dựng  đề án tổ chức đào tạo ngành CNTT bậc đại học tại Viện Đào tạo Mở rộng I Hà Nội với mục tiêu đào tạo, phương thức đào tạo đổi mới trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 27/10/1992 Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định cho phép đào tạo “thí điểm” bậc đại học 4 ngành: Quản trị doanh nghiệp. Kế toán. Tiếng Anh và Tin học tại Viện ĐTMR I. Do kỳ thi tuyển sinh năm 1992 chung toàn quốc đã thực hiện xong trong tháng 7/1992 nên Bộ cho phép Viện ĐTMR I tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của từng ngành vào đầu năm 1993.
Để quản lý công tác đào tạo theo đúng qui chế đào tạo đại học, ngày 04/3/1993, Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập các Khoa: Kinh tế - Quản trị kinh doanh,  Tiếng Anh và Tin học tại Viện ĐT- MR I (vì khi đó Viện Đào tạo Mở rộng I chưa được phép hoạt động theo qui chế của trường đại học). Sau một thời gian chuẩn bị, xây dựng chương trình, tổ chức bộ máy quản lý và đặc biệt quan trọng là mời và được Bộ phê duyệt đội ngũ giảng viên, Khoa Tin học tổ chức chiêu sinh và ngày 15/3/1993 đã khai giảng khóa đào tạo bậc đại học ngành CNTT đầu tiên của Khoa với phiên hiệu là khóa 93-01A gồm 33 sinh viên.
Khoa lấy tên chính thức là KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN- ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI – Faculty of Information Technology – Hanoi Open University – FITHOU và lấy
  Ngày 15/3 là ngày truyền thống của Khoa.
Sau này mãi đến ngày 03/11/1993 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định số 535/TTG thành lập Viên ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI hoạt động theo qui chế trường đại học công lập.
(Một điều vui vui có thể gây khó hiểu là Khoa do Bộ ra quyết đinh và lại được thành lập trước Viện!)
Theo quyết định thành lập ngày của Bộ Giáo dục và đào tạo, Khoa Công nghệ Thông tin Viện Đại học Mở Hà Nội được phép đào tạo  KỸ SƯ TIN HỌC:ở bậc đại học, mã ngành đào tạo là: 01 02 10,  với hai chuyên ngành:
- Chuyên ngành 01
- Tin học quản lý- Chuyên ngành 02 - Tin học ứng dụng- Các hệ đào tạo :
+
Hệ
 chính quy+Hệ vừa học vừa làm (tại chức )
+
Hệ đào tạo  từ xa
Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu bức thiết của xã hội , dựa theo kinh nghiệm đào tạo mềm dẻo (flexible training) của nước ngoài, phù hợp với đường lối đa dạng hóa loại hình đào tạo, mở cơ hội học tập cho mọi người của Viện Đại học Mở Hà Nội, Khoa đã chủ động đề nghị Viện báo cáo với Bộ cho phép thử nghiệm 2 loại hình đào tạo mới. Hệ “chuyển tiếp” lấy sinh viên đã học xong giai đoạn I (thời đó giáo dục đại học còn thực hiện đào tạo theo 2 giai đoạn : giai đoạn đại học đại cương 1,5 đến 2 năm (tùy theo ngành) và giai đoạn chuyên ngành 2 đến 3 năm. Hệ “Chuyển đổi bằng”.tiếp nhận những người đã có 1 bằng đại học, nay muốn học thêm văn bằng thứ hai về chuyên ngành công nghệ thông tin. Khóa đào tạo đầu tiên của hệ này lấy phiên hiệu là 91-01 với 21 sinh viên cùng khai giảng trong ngày 15/3/1993. Vì nhu cầu học của đối tượng này rất lớn nên  ngay tiếp sau đó là khóa 91-02 có 47 sinh viên cũng khai giảng vào thời điểm tuyển sinh hệ chính qui năm 1993 của cả nước.
Cho đến thời điểm năm 1993 trong cả nước chưa có tiền lệ về hai loại hình đào tạo mềm dẻo đó nên việc tiến hành các hệ đào tạo này gặp không ít khó khăn khi phải chứng minh được sự cần thiết  và nhất là đảm bảo chất lượng đào tạo của các hệ đó. Mãi đến năm 1995, sau khi đã có những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp vẫn còn vướng mắc về chuyện cấp bằng: đầu tiên Bộ và Viện chỉ đồng ý cấp bằng đào tạo theo hệ vừa học vừa làm, gần 2 năm sau mới được đổi lại thành bằng đại học hệ chính qui!
Đến năm 1993, khóa sinh viên hai hệ chuyển đổi bằng – phiên hiệu 01 91 A01 và hệ chuyển tiếp – phiên hiệu 02 91 A01 tuy chỉ có 21 sinh viên tốt nghiệp nhưng  đã là một thực tế chứng minh rằng chủ trương đào tạo hai hệ này là hoàn toàn đúng đắn, 100% sinh viên tốt nghiệp được các cơ sở sử dụng tiếp nhận và nhiều người đã được giao trách nghiệm làm nòng cốt xây dựng cơ sở cho việc ứng dụng CNTT ở cơ quan mình.
Một chi tiết khá thú vị là lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên khóa này trùng vào dịp đang có một hội thảo quốc tế về CNTT do ĐHBK HN đăng cai và do TS Nguyễn Thanh Thủy, giảng viên ĐHBK HN đồng thời cũng kiêm nhiệm  là ủy viên Hội đồng khoa học và đào tạo của Khoa chủ trì. TS Nguyễn Thanh Thủy đã đề nghị Viện ĐH Mở HN đồng ý mời 2 giáo sư Pháp đến tham dự buổi bảo vệ tốt nghiệp của 21 sinh viên cùng với nhiều nhà khoa học đầu ngành ở các trường Đại học Bách khoa HN, Đại học Tổng hợp HN và các Viện Toán học, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện khoa học Việt Nam.. Trong khóa này có sinh viên Ninh Đức Thành, trước đây học xong Đại học đại cương ở ĐH Thăng Long và đã đi thực tập Cao đẳng kế toán ở Pháp, sau đó về tham dự đào tạo tiếp lên Kỹ sư Tin học tại Khoa. Để các giáo sư Pháp có thể nghe và hỏi thử thí sinh, Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp đã đề nghị anh Ninh Đức Thành báo cáo bằng 2 thứ tiếng và trả lời trực tiếp câu hỏi của các giáo sư Pháp: Điều này đã gây ấn tượng rất tốt không những đối với các giáo sư Pháp mà cả đối với nhiều cán bộ khoa học có uy tín đến tham dự buổi bảo vệ.
Kinh nghiệm đào tạo thành công bước đầu của hai hệ đó đã góp phần làm cơ sở thực tiễn để sau này đến những năm 1996, 1997 Bộ Giáo dục và đào tạo chính thức cho phép đào tạo cho nhiều ngành trên phạm vi cả nước hai hệ đào tạo mới: Hệ Văn bằng 2– tức là hệ chuyển đổi bằng của Khoa, và hệ Hoàn chỉnh kiến thức – tức là hệ chuyển tiếp của Khoa (Từ thời điểm 1996 về sau,bậc đại học không đào tạo theo 2 giai đoạn nữa nên nguồn tuyển sinh hệ hoàn chỉnh kiến thức là  những sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng chuyển lên)

Khóa tuyển sinh đào tạo chính qui đầu tiên của Khoa lấy phiên hiệu là  00 93A 01 đến năm 1995 tốt nghiệp chỉ có 28 sinh viên nhưng đã đánh dấu một cột mốc quan trọng về năng lực tổ chức và đào tạo của Khoa – đơn vị đào tạo bậc đại học ngành CNTT trẻ nhất trong số 7 đơn vị đào tạo ở các trường đại học công lập trong cả nước bên cạnh các trường đại học lớn có truyền thống lâu năm như: ĐH Bách khoa HN và TPHCM, ĐH quốc gia HN và TPHCM, Học viện kỹ thuật quân sự và Học viên Bưu chính viễn thông.

Xin mời xem tiếp bài 2


Không có nhận xét nào:


Đăng một Nhận xét



Thứ ba, ngày 21 tháng tám năm 2012


·       Phần 2:     NHỮNG CỘT MỐC ĐẦU TIÊN (1993 – 1995)

Ngay từ đầu, với tầm nhìn phát triển lâu dài, Khoa CNTT – ĐHMHN qui định đặt phiên hiệu cho các khóa đào tạo của Khoa theo kiểu “địa chỉ định danh” như sau:
Mã hiệu đầy đủ của khóa học: [xx] [xx] [yx] …
Cụm ký tự thứ nhất (hai số)
Ký tự thứ nhất (số) x:  Chỉ địa phương đào tạo: Số 0 là Hà Nội, các số khác gán cho Hải Phòng, Nam Định v..v..(Hiện nay đổi thành ký tự đầu của địa phương)
Ký tự thứ hai (số) x : Chỉ hệ đào tạo : Số 0 là hệ đào tạo chính qui
1                               văn bằng 2
2                               liên thông, hoàn chỉnh kiến thức
3                               tai chức, vừa học vừa làm
4                               các hệ đào tạo chứng chỉ, kỹ thuật viên v,,v,,
5                               từ xa
Cụm ký tự thứ hai (hai số): chỉ năm nhập học - cộng thêm 4 thì biết được năm tốt nghiệp (đối với hệ chính qui/ vừa học vừa làm – đầu 0, đầu 3 – cộng thêm 2 thì biết năm tốt nghiệp các hệ chuyển tiếp, văn bằng 2 – đầu 2 v..v..)
Cụm thứ ba (chữ+số) yx:  Chữ y: Các khóa đào tạo chính qui đều khai giảng nửa cuối năm (từ tháng 7 đến tháng 12) có ký hiệu là B, các hệ đào tạo khác có thể có một kỳ tuyển sinh khai giảng vào nửa đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 6)  có ký hiệu là A còn kỳ cuối năm vẫn cõ ký hiệu là B. Nhìn ký tự này có thể tính được khoảng tốt nghiệp ra trường của sinh viên
 Số x: chỉ phiên hiệu của các lớp trong 1 khóa : lớp 1, 2, 3,…
Tiếp sau phiên hiệu khóa học là 3 con số chỉ mã số sinh viên
Chẳng hạn sinh viên Nguyễn Văn X có mã số là : 00-04-B3-136 được hiểu là: Nguyễn Văn X học tại Hà Nội, hệ chính qui, nhập học cuối năm 2004, lớp thứ 2, có số hiệu sinh viên là 136.
Khóa học của Nguyễn Văn X thường gọi tắt là khóa 04-B3 thông thường sẽ tốt nghiệp sau tháng 6 năm 2008.
Các thầy cô chủ chốt trong Khoa đều là những người có kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức quản lý giảng dạy hàng chục năm ở nhiều trường Đại học  có truyền thống nên ngay từ đầu đã thống nhất quan điểm, chủ trương và bắt tay vào một số công việc có tầm quan trọng hàng đầu.
·                     Trân trọng những thấy cô giáo nhiều kinh nghiệm: Muốn phát triển nhanh và có chất lượng, Khoa phải có chính sách thu hút sự gắn bó lâu dài đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng nhiệt tình và có trình độ cao. Một số Thầy sau khi đến tuổi hưu trí, Khoa đã ký hợp đồng và đảm bảo chế độ đối đãi  như  cán bộ cơ hữu của Khoa. Vì vậy mà một số Thầy giáo có trình độ cao, có tiếng tăm trong ngành đã tự nguyện xem mình là người của Khoa, luôn quan tâm và gắn bó với Khoa  như các Thầy Nguyễn Địch, Dương Viết Thắng (đã mất), Nguyễn Tài Hào, Đặng Thành Phu, Bùi Công Cường, Thạc Bình Cường, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Tô Thành, Ngô Thế Khánh, Bùi Tuấn Khang, Đoàn Văn Đức, Nguyễn Gia Hiểu, …    Uy tín của đội ngũ Thầy giáo chất lượng cao đó đã góp phần nâng cao uy tín và tín nhiệm của cho Khoa trong đào tạo và góp phần tạo cho sinh viên lòng tự hào về Khoa mình, Thầy mình.
·          Đào tạo đội ngũ: Nhưng không thể chỉ dựa vào đội ngũ giáo viên thỉnh giảng ngày càng hiếm hoi đó, muốn phát triển ổn định lâu dài, Khoa phải có lực lượng cơ hữu của chính mình, do mình  tạo nên. Từ 1995 khi Khoa có những khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên (hệ chuyển tiếp), một số sinh viên xuất sắc được giữ lại làm giảng viên cơ hữu hoặc cộng tác viên của Khoa như Lương Cao Đông, Trương Tiến Tùng, Vũ Việt Anh... cùng với một số sinh viên giỏi tốt nghiệp ở các Trường bạn được Khoa thu hút về như: Nguyễn Thanh Thủy, Thái Thanh Tùng, .. đã là lực lượng giảng dạy nòng cốt trọng những năm đầu cùng với đội ngũ các giảng viên thỉnh giảng. Tiếp đó Khoa có chủ trương cụ thể đề nghị với Viện nhanh chóng chuẩn bị cho phép sớm tuyển dụng một số sinh viên của Khoa tốt nghiệp xuất sắc của các khóa tiếp sau để bồi dưỡng thành đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa vì Khoa nhận thức rất rõ rằng: Chỉ có là cán bộ viên chức cơ hữu thì mới hết lòng đi sâu tìm hiểu những đặc điểm của Khoa để nhanh chóng đề xuất được những phương sách xây dựng Khoa hữu hiệu nhất. (Cần nói rằng, chủ trương này của Khoa đã từng bị phê phán là “kém hiệu quả về mặt kinh tế” vì rõ ràng ai cũng biết là việc sử dụng giáo viên thỉnh giảng “đơn giản” hơn và trách nhiệm nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc phải “cưu mang” một biên chế khá lớn trong hoàn cảnh đầu tư ban đầu của Khoa còn rất khó khăn!).
Nhờ chủ trương đúng đắn đó mà đến năm 1996, Khoa CNTT là Khoa có tỷ lệ đội ngũ giảng dạy cơ hữu của Khoa so với số sinh viên  cao nhất trong Viện.
·         Về mặt tổ chức, từ cuối năm 1995, ngoài Chủ nhiệm Khoa là GS-TS Thái Thanh Sơn, Viện đã quyết định mời thêm PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa khi đó đang làm Phó Chủ nhiệm Khoa CNTT ĐH Bách khoa Hà Nội về kiêm nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Khoa.   Với nhiệt tình đóng góp cho Khoa và Viện, theo thông lệ cán bộ kiêm chức trong Bộ, PGS Nguyễn Đức Nghĩa đã tự đề nghị từ nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa ở ĐHBK Hà Nội để nhận chức vụ kiêm nhiệm ở Viện.
Trong năm 1995 ở Viện thành lập một khoa mới, tên gọi chính thức theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là Khoa Điện tử - Viễn thông (Electronic & Telecommunication). đào tạo kỹ sư Thông tin Vô tuyến điện và kỹ sư Điện tử. Tuy nhiên Khoa bạn lại sử dụng tên gọi là Khoa Công nghệ Điện tử - Viễn thông – Thông tin. Điều này có thể  (và thực sự là đã có) gây nhầm lẫn địa chỉ đào tạo trong Viện và làm cho không ít người tưởng rằng Khoa CN Thông tin chỉ là một bộ phận của Khoa bạn. Để tránh nhầm lẫn, đôi khi rất đáng tiếc, Khoa .đã đề nghị và được Viện chấp nhận đổi tên lần thứ nhất thành Khoa Công nghệ Tin học nhưng tên giao dịch tiếng Anh vẫn là Faculty of Information Technology - FIT- HOU
·                     Về mặt cơ sở vật chất cho đào tạo, cũng như nhiều Khoa khác trong Viện, trong những năm đầu Khoa  gặp vô vàn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Viện Đại học Mở Hà Nội là một cơ sở đào tạo công lập nhưng không được Nhà nước cấp kinh phí. Ngoài quỹ tiền lương cho cán bộ cơ hữu là viên chức Nhà nước (đến năm 1996 cả khoa chỉ có 01 biên chế công chức, từ 2001 tăng lên 3 biên chế, đến 2010 cũng chỉ còn lại có 2 biên chê) và thỉnh thoảng đôi ba năm có một chút ngân sách vài ba chục triệu cho các đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Viện. Nhưng cũng vì là trường công lập nên không thể huy động vốn qua xã hội hóa, đóng góp cổ phần như các trường tư thục, mặt khác phải thực hiện đúng qui định Nhà nước về khung học phí của các trường công lập đồng thời thực hiện mọi chế độ đối với đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách (thường năm chiếm khoảng 8 -10% tổng cộng mọi khoản thu của Khoa). Vì vậy sau năm đầu số lượng sinh viên còn ít, ngay từ năm 1994 trở đi Khoa đã đối diện với khó khăn lớn về cơ sở vật chất cho đào tạo: phòng học và phòng máy thực hành.
Khoa đã rất chủ động tìm mọi cách giải quyết trong khả năng có thể.
Trong những học kỳ đầu, sinh viên các khóa 01-91, 02-91 và 00-93 thực tập tại phòng máy mini của Viện: ngoài 5 máy cũ thời Trung tâm Tin học Viện Đào tạo Mở rộng I có được Bộ “san sẻ” thêm 3 máy tính AT 286 và AT 386 với ổ cứng 1MB và 3MB! Do quan hệ cá nhân của các cán bộ giảng viên trong Khoa, Khoa liên hệ được để thuê cho sinh viên đến thực tập thêm tại Phòng máy tính của Đại học Thăng Long – là một trường đại học dân lập nhưng trong những khóa đầu 1991 – 1996, ĐH Thăng Long trực tiếp được Hội trí thức Người Việt ở Pháp hỗ trợ kinh phí qua sự vận động của Giáo sư Bùi Trọng Liễu, tiếp đó sau chuyến ghé thăm của Phu nhân Tổng thống Pháp là Danièle Mitterand, lại được tiếp nhận sự đỡ đầu của  Hội Hoa Hồng  do Bà làm chủ tịch nên vào thời đó họ có phòng máy tính thực hành cho sinh viên vào loại tốt nhất ở Hà Nội. Sang năm 1995, Khoa ký được hợp đồng với Công ty máy tính 3C để quản lý và khai thác một phòng máy tính với 25 máy, đặt tại Trung tâm ở số 1 Tăng Bạt Hổ do KS Trương Tiến Tùng làm Trưởng Trung tâm cùng với 2 cô Nguyễn thị Thu Thủy và Đinh Việt Nga phụ trách..
Đầu năm 1996 trong khi chờ đợi có một cơ sở tương đối đủ điều kiện, Khoa đã ký Hợp đồng với Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội sử dụng 6 phòng học và phối hợp liên kết với họ thành lập một phòng máy tính thực hành, tạm  giải quyết việc thực tập cho sinh viên tương đối khá hơn nhiều đơn vị đào tạo Tin học  khác trong cùng thời kỳ đó.
·                     Những khóa sinh viên đầu tiên: Tuy khó khăn như vậy nhưng chỉ trong vòng 2 năm, đến hết năm 1995 Khoa CN Tin học Đại học Mở Hà Nội đã đào tạo ra trường được 95 kỹ sư Tin học (hai khóa 91-01 và 91 02). Tất cả sinh viên ra trường đều được tiếp nhận ngay vào nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội: có uy tín như: Vụ Thông tin cơ quan TƯ Đảng, Ngân hàng BIDV, Tổng cục Bưu điện truyền thanh, Tổng cục Đường sắt …một số được về công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng như Đại học Thủy lợi, Học vịên Ngân hàng, Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (nay là Đại học công nghiệp Hà Nội)…
·                     Nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động song song với hoạt động đào tạo trong các trường đại học. Tuy Khoa mới thành lập lực lượng còn rất mỏng nhưng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học, Khoa đã chủ động ngay từ đầu hướng cán bộ trẻ và cả những sinh viên các năm cuối trong Khoa nhanh chóng tiếp cận các đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý và sản xuất phục vụ trực tiếp cho những địa chỉ ứng dụng cụ thể.
Năm 1993, Chủ nhiệm Khoa được Viện trưởng ủy nhiệm đại diện tham dự Hội thảo quốc tế về đào tạo từ xa trong khối các quốc gia sử dụng Tiếng Pháp – CIFFAD – Commission Internationale de Formation à Distance -  tại đảo quốc Mauritius và tiếp đó là khóa tập huấn quốc tế tại Đại học quốc tế Bordeaux – EIB -  Ecole Internationale de Bordeaux –Do những đóng góp tích cực và có hiệu quả, đại biểu của Viện đã được mời tham gia Hiệp hội Văn hóa khoa học pháp ngữ - ACCT – từ năm 1995.
Khoa đã chủ động quan hệ trực tiếp và tổ chức được những chuyến viếng thăm và làm việc quan trọng tai: Đại học quốc gia - NUS – và Đại học kỹ thuật NanYang – NTU - ở Singapore năm 1994, Đại học Công nghệ Sydney – UTS -, Học viện công nghệ Đông Melbourne-  ở Australia năm 1995.
Tiếp ngay sau đó đoàn đại biểu Học viện Công nghệ Đông Melbourne do Bà Phó hiệu trưởng Moira Schulze dẫn đầu, có thành viên là Chủ nhiệm khoa Khoa học máy tính của Trường đã sang thăm làm việc với Viện và Khoa và tặng Khoa 2 suất học bổng Cao học từ năm 1996 cho 2 cán bộ trẻ trong Khoa (kể cả bổ túc tăng cường Tiếng Anh 6 tháng tại tại trường chuyên ngữ AMES – trường dạy tiếng Anh cho người không bản ngữ).
Tuy lực lượng ban đầu còn rất mỏng nhưng Khoa đã mạnh dạn xác định hướng nghiên cứu đúng đắn lâu dài của Khoa là nghiên cứu ứng dụng CNTT trong đào tạo từ xa và đào tạo Mở. Cán bộ của Khoa đã nhận chủ trì một đề tài nhánh trong đề tài khoa học cấp Nhà nước đầu tiên của Viện :  Nghiên cứu đề án phát triển ĐTTX và đào tạo mở ở Việt Nam trong giai đoạn 1995 – 2000 do Viện trưởng Nguyễn Kim Truy chủ trì.
Một số sinh viên khóa 91-01 như Trương Tiến Tùng, Vũ Việt Anh, Đặng Trần Phú…trong thời gian cuối chuẩn bị tốt nghiệp đã tham gia thực hiện chính trong đề tài nhánh đó. Đề tài đã được báo cáo nghiệm thu cuối năm 1996 và được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá vào loại xuất sắc.
Với những kết quả cụ thể của đề tài cấp Nhà nước nói trên và những nghiên cứu phát triển bổ sung của Thầy trò trong Khoa về mặt công nghệ, năm 1995 trong hội nghị của tổ chức UNESCO - APEID – tổ chức phát triển giáo dục Châu Á – Thái Bình dương thuộc UNESCO  tại Bangkok và năm 1996 trong hội nghị quốc tế về giáo dục do Bộ Giáo dục – Đào tạo VN và Bộ Giáo dục Tây Australia đồng tổ chức tại Hà Nội,  đại diện Khoa đã có những báo cáo khoa học được đánh giá cao và được đăng tải vào kỷ yếu của các hội nghị.
Chủ nhiệm Khoa – GS Thái Thanh Sơn - được bầu làm thành viên chính thức của UNESCO – APEID nhiệm kỳ 1996 – 2000 (và hai nhiệm kỳ tiếp sau đó).

Thế là chỉ trong một thời gian rất ngắn chưa đầy.5 năm kể từ ngày thành lập, vượt qua vô vàn khó khăn, Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Mở Hà Nội đã xây được những cột mốc vững vàng cho bước phát triển mạnh mẽ tiếp sau.

 Xem tiếp phần 3: 


Không có nhận xét nào:


Đăng một Nhận xét

1 nhận xét: