Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

FITHOU - 20 năm nhìn lại (4)

·        Phần 4: LẠI CHUYỂN NHÀ…VÀ... NHỮNG NĂM KHÔNG MUỐN NHỚ LẠI (2006 -2010)

Cuối năm 2005, Viện trưởng Nguyễn Kim Truy từ nhiệm, Bộ GD&ĐT bổ nhiệm TS Nguyễn Minh Việt đang là Chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử ĐHBK Nà Nội về làm Viện trưởng nhiệm kỳ mới. TS Nguyễn Minh Việt cũng là Giám đốc Trường dạy nghề Genetic (Đây là một cơ sở tư nhân đào tạo nghề về CNTT, nhận “chuyển giao thương hiệu” – franchising – từ cơ sở chính ở Singapore, từ năm 1998 thuê cơ sở đặt tại Đại học Bách khoa HN do đó thường tự gán nhãn là Genetic Bách khoa Hà Nội. Gần đây ở ĐHBK có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt nên nhân dịp này chuyển sang thuê trụ sở tại Đại học Mở Hà Nội với ý định là tìm cách gắn với danh nghĩa Khoa CNTH Viện ĐH Mở nhằm chính thức hóa các văn bằng chứng chỉ của Genetic từ trước đến nay không được Bộ GD&ĐT công nhận nên đã gây nhiều phản ứng trong học viên và phụ huynh học viên).
*Cơ sở II của Khoa CNTH tại 161 đê La Thành hết thời hạn thuê vào cuối năm 2006. Bộ phận lãnh đạo mới của Khoa không có quan hệ lắm với Công ty chủ quản nên cũng không có chủ trương đàm phán kéo dài hợp đồng thuê cơ sở.
Sau nhiều khó khăn tìm kiếm, Ban lãnh đạo mới của Khoa đã liên hệ với Công ty Mộc Hà Nội, góp vốn xây một khu nhà 6 tầng để được thuê ưu đãi trong thời hạn 10 năm tại số 96 Phố Định Công. Tuy đường vào hơi khó khăn và cảnh quan khu vực không phù hợp lắm với môi trường giáo dục nhưng cơ sở mới cũng có ưu điểm là hoàn toàn độc lập, đầy đủ diện tích rộng rãi, có trang bị tốt cho các phòng học, hội trường, phòng máy thực hành, phòng làm việc cho Chủ nhiệm Khoa, các Bộ môn, các Trung tâm, chỗ để xe cho cán bộ và sinh viên. So sánh với cơ sở đào tạo của các đơn vị khác trong Viện thì đây vẫn có thể xem là địa điểm vào loại tốt nhất (tuy giá thuê hơi cao).
*Một nhiệm kỳ với thủ trưởng Viện mới tất nhiên kèm theo rất nhiều thay đổi về mọi mặt: Nhân sự, chế độ quản lý, đường lối phát triển…của Viện. Và tất nhiên mọi thay đổi của Viện đều có tác động trực tiếp và cụ thể đến Khoa.
Ngoài khó khăn tạm thời về việc chuyển dời địa điểm trong giai đoạn này xuất hiện dần một số khó khăn mới.
*Thứ nhất là về mặt tổ chức nhân sự. Từ đầu năm 2006, Chủ nhiệm Khoa Thái Thanh Sơn và Phó Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Đức Nghĩa từ nhiệm, Viện không bổ sung chính thức Chủ nhiệm Khoa mới mà quyết định giao cho Phó chủ nhiệm khoa Lương Cao Đông tạm phụ trách khoa không thời hạn. Vài tháng sau có bổ sung thêm một Phó chủ nhiệm khoa là PGS TS Nguyễn thị Việt Hương, một giảng viên cũng ở Khoa VTĐT ĐHBK HN (và cũng đang là Phó giám đốc Genetic). Vì Lãnh đạo Khoa chỉ là tạm phụ trách, lại không có cấp Trưởng  nên tâm lý không hoàn toàn thoải mái, không mạnh dạn không có tư duy dài hạn, mặt khác tiếng nói trong Viện cũng không có trọng lượng lắm.
Theo qui định mới thì Khoa không còn quyền chủ động về nhân sự nữa. Chỉ trong vòng 6 tháng, Viện đã trực tiếp nhận và giao về cho Khoa một số mới khá nhiều cán bộ, từ lành đạo Khoa đến giảng viên và nhân viên hành chính. Nói chung nhân viên mới đều là những cán bộ tương đối tích cực, có phẩm chất nhưng điều này cũng ảnh hưởng đến tư duy qui hoạch và cơ cấu cán bộ trong khoa.
Một số giảng viên kỳ cựu đã làm việc với Khoa từ hơn 10 năm nay do tuổi cao, sức khỏe kém hoặc cũng do nhiều lý do khác nên đã ngừng hợp tác với Khoa, ngoại trừ 3, 4 Thầy còn hết sức gắn bó như Thầy Địch, Thầy Hào, Thầy Cường, Thầy Phùng v..v... Đáng tiếc hơn nữa là nhiều cán bộ trẻ mà Khoa đã nhận về, đã bồi dưỡng giúp đỡ tận tình, nay bắt đầu trưởng thành và có thể phát huy tác dụng thì lại chủ động lìa bỏ Khoa tìm đến những địa chỉ công tác khác mà họ cho là có nhiều quyền lợi hơn.
*Khó khăn thứ hai mà Khoa gặp ngay phải trong giai đoạn này là vấn đề tài chính. Cũng theo qui định nội bộ mới của Viện thì Khoa không được chủ động tọa chi theo tỷ lệ phân chia như trước đây mà phải tuân thủ chế độ kế toán tập trung. Để có tiền góp vốn xây dựng cơ sở, Khoa đã nhờ Viện tạm ứng một số tiền lớn, phải trang trải dần trong những năm sau. Mặt khác các loại hình đào tạo và hoạt động khoa học sản xuất của Khoa đều có phần giảm sút do thiếu quyền năng động. Lần đầu tiên sau 14 năm kể từ khi thành lập, ngân sách của Khoa bị thâm hụt.
Nhiều công việc phụ trợ cho giảng dạy, thi cử, trang bị cơ sở vật chất cho đào tạo v..v.. có thể tạo ra thu nhập đều dần dần được tập trung về các cơ quan Phòng, Ban trên Viện.Thu nhập nói chung của cán bộ có phần giảm sút, điều này tất nhiên ảnh hưởng đến sự an tâm công tác của cán bộ nhân viên.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất lại càng khó khăn hơn. Để có kinh phí “nuôi” công tác nghiên cứu và “nuôi một phần” các thực tập sinh của OSTC và ENMC, Khoa và các trung tâm đã phải tìm cách “hợp pháp hóa việc làm thuê” cho một số đơn vị bên ngoài. Khoa cũng đành phải đồng ý hỗ trợ chuyển giao công nghệ một số gói sản phẩm cho các đơn vị bên ngoài có yêu cầu sử dụng. Điều đáng suy xét là trong khi sản phẩm của Khoa và OTSC được nhiều cơ sở bên ngoài yêu thích và đánh giá cao thì một số đơn vị trong Viện – vì nhiều lý do tế nhị - lại chỉ muốn “mua” để sử dụng cho mình những phần mềm của các đơn vị ngoài Viện chuyển giao (dù rằng tính năng và chất lượng không có gì đáng nói) nhưng lại không muốn nhận chuyển giao các sản phẩm “cây nhà lá vườn” của OSTC cung cấp với giá thành thấp hơn hẳn!

Có thể xem giai đoạn 2006 – 2010 là 5 năm tạm chững lại trong đà tiến liên tục của Khoa CNTT từ ngày thành lập.


Kéo xuống, nhấn vào "Bài đăng cũ hơn" để xem tiếp phần 4 - cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét