Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

FITHOU - 20 năm nhìn lại (3)

·        Phần 3. KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ -  (1997 - 2006).

Năm 1995. Khóa  đào tạo văn bằng 2 và khóa chuyển tiếp đầu tiên - Khóa 01-91-01A và 02-91- 01A- với số lượng rất khiêm tốn: 27 người (sĩ số lúc nhập học năm đầu là 38), đã hoàn thành chương trình đào tạo và nhận bằng tốt nghiệp. Sang năm 1997 khóa đào tạo chính qui hoàn chỉnh đầu tiên của Khoa 00 - 93 – 01B cũng tốt nghiệp ra trường và được nhận bằng kỹ sư Tin học hệ chính qui: Đây là những cột mốc hết sức đáng nhớ của Khoa và Viện.
Năm học 1996-1997 và 1997 – 1998 có thể xem là hai năm bản lề trong quá trình phát triển của Khoa CNTT – ĐH Mở Hà Nội…
·         Bước ra khỏi cửa …
Năm 1994, lại có hai khóa đào tạo chuyển tiếp và văn bằng 2:  01- 92A và 02-92A tốt nghiệp với tổng số 68 sinh viên.




Một lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ở Trung tâm Nam Định
Cô chủ nhiệm lớp Nguyễn thị Thanh Thủy dặn dò sinh viên ..

Năm 1997, trong dịp Lễ tốt nghiệp của Khóa sinh viên hệ chính qui đầu tiên – khóa 00- 93 - 01A, Khoa đã mời một số  một số cơ quan doanh nghiệp – đặc biệt là những doanh nghiệp đã tiếp nhận và sử dụng các sinh viên tốt nghiệp hai năm trước. Các doanh nghiệp đó dều vui vẻ đến dự và tặng quà, tặng học bổng cho sinh viên trong Khoa, đặc biệt có những cơ quan doanh nghiệp hoàn toàn chưa có quan hệ từ trước nhưng chỉ nghe tiếng về một địa chỉ đào tạo mới, sau khi tìm hiểu, cũng đã chủ động tặng quà như: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hàng hải VN – Maritime Bank – tặng 2 triệu đồng, Tổng giám đốc Doanh nghiệp St Simon Pte LTD, Cộng hòa Pháp tặng 1000 USD v..v.. làm quà thưởng cho sinh viên xuất sắc các khóa 00-94B, 00-95B và 00-96B. (Nhớ rằng vào thời điểm đó, hệ số  lương tối thiểu bậc 1 chỉ là 120.000 đồng, học phí sinh viên hệ chính qui một năm là 360.000 đồng, 1000 USD lúc đó tương đương với 12 triệu đồng Việt Nam tức là gần 40 suất học bổng toàn phần!)

·         Chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật viên Tin học
Thời kỳ đó, nhu cầu của rất nhiều công ty, doanh nghiệp về cán bộ thực hành tin học rất lớn, Khoa cũng vẫn là một đơn vị được phép đào tạo các chứng chỉ Tin học A, B…của Bộ, kế tiếp nhiệm vụ của Trung tâm Tin học Viện Đào tạo mở rộng I trước đây. Các Trung tâm Tin học A, B…bên ngoài mọc lên như nấm nhưng chất lượng đào tạo không hề đáp ứng cho nên không được tín nhiệm. (Học viên chỉ nhằm kiếm được chứng chỉ nộp các hồ sơ công chức theo thủ tục, không có kiến thức thực sự)
Nhận thấy rõ có nhiều vấn đề về nội dung và phương pháp đào tạo trong các chương trình đó không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động đương thời, học tập kinh nghiệm của Trường kỹ thuật Đông Melbourne – Eastern Melbourne Institute of Technical and Further Education, thường gọi tắt là TAFE - Khoa đã mạnh dạn đề xuất với Viện cho thực hiện một chương trình đào tạo nghề rất cơ bản: chương trình Kỹ thuật viên Tin học, thời gian đào tạo 01 năm, chú trọng nhiều về năng lực thực hành ứng dụng các kỹ năng như: Tin học văn phòng, kế toán, quản trị dữ liệu và một chút ít về đồ họa máy tính và AutoCAD cũng như một số kiến thức về phần cứng: Kiến trúc máy tính, bảo trì máy tính, lắp đặt và cài đặt các mạng máy tính cục bộ. Chỉ sau 1 năm (2 học kỳ) người kỹ thuật viên tin học được đào tạo theo chương trình này có thể độc lập phụ trách các ứng dụng tin học, làm việc tại các doanh nghiệp/công ty nhỏ một cách có hiệu quả. Trong khi xây dựng chương trình đào tạo, cán bộ của Khoa, nhất là lớp sinh viên trẻ mới tốt nghiệp được giữ lại công tác tại Khoa, đã bỏ nhiều thì giờ thâm nhập tìm hiểu nhu cầu cấp thiết trước mắt về ứng dụng tin học ở một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tìm hiểu thực trạng đào tạo ở các Trung tâm đào tạo tin học bên ngoài và phân tích để thấy chỗ mạnh, chỗ yếu của họ. Trong vài tháng cuối khóa đào tạo, trước khi thi tốt nghiệp, thông qua một  số Thầy có quan hệ nhiều với các doanh nghiệp, Khoa đã cố gắng cho tất cả học viên có dịp thực tập tại một số doanh nghiệp cụ thể. Chính vì vậy  32 kỹ thuật viên đầu tiên tốt nghiệp năm 1996 đều được các doanh nghiệp đón nhận về làm việc ngay và đều chứng tỏ được năng lực của mình.
Chương trình đào tạo KTV Tin học  - học tập theo chương trình đào tạo  TAFE của Úc và Community College của Mỹ – còn để ngỏ một hướng cho học viên, sau khi tốt nghiệp KTV, nếu tiếp tục theo học các hệ đào tạo dài hạn trong Khoa thì có thể được miễn giảm, rút ngắn thời gian đào tạo một số học phần thực hành. Việc làm này là thực hiện theo phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Úc và Mỹ nhưng ngày đó ở Việt Nam chưa ai đề xuất chứ đừng nói chuyện chấp nhận kiểu đào tạo đó! Vì vậy Khoa phải rất khéo léo trong việc bố trí sắp xếp để vẫn tiến hành được mà không vi phạm qui chế đào tạo của Bộ và của Viện.
Lần lượt trong 3 năm 1996 – 1999, 6 khóa KTV TH đào tạo theo mô hình của Khoa tỏa về làm việc tại các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước, được tiếp nhận và phát huy tác dụng rõ rệt. Đối với Bộ GD & ĐT thì Giấy chứng nhận đào tạo KTV TH của Viện và Khoa không được coi là một chứng chỉ học tập có giá trị - nghĩa là không thể kê khai như chứng chỉ Tin học A, B để lập hồ sơ thi công chức chẳng hạn – nhưng thị trường lao động, nhất là khu vực ngoài quốc doanh và khu vực lien doanh với nước ngoài thì qua kiểm tra phỏng vấn lại sẵn sang tiếp nhận KTV của Khoa đào tạo mà hoàn toàn không hề chấp nhận và đánh giá cao người có Chứng chỉ Tin học A, B của Bộ GD & ĐT.

Được Viện trưởng ĐH Mở HN lúc đó là GS Nguyễn Kim Truy rất ủng hộ nên dù có vài ý kiến trái chiều, Chứng chỉ tốt nghiệp của hệ KTV vẫn do Viện và Khoa phát hành – không thuộc hệ thống bằng cấp chứng chỉ của Bộ GD & ĐT quản lý - có chữ ký và dấu của Chủ nhiệm Khoa CNTH và Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, in bằng song ngữ Việt/Anh, đã tạo điều kiện dễ dàng cho hàng trăm người xin việc được vào làm tại các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân,  liên doanh hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Do lợi ích trước mắt và lâu dài của chương trình đào tạo này nên không ít sinh viên hệ chính qui trong khoa, và rất nhiều sinh viên các khoa khác trong Viện – kể cả sinh viên những trường đại học khác – song song với việc học chính qui tại trường, khoa mình, cũng đăng ký theo học hệ đào tạo này!
Ngay cả một số khá đông cán bộ công viên chức, do nhu cầu công việc, cũng đến đăng ký học chương trình KTV: học để lấy nghề chứ không cần lấy chứng chỉ, bằng cấp.

(Điều này xét cho cùng là có lợi cho xã hội và cho người lao động cũng như người sử dụng lao động, nhưng đã gây ra khá nhiều điều phiền phức tế nhị trong quan hệ giữa FIT-HOU, Viện ĐH Mở Hà Nội với một số bộ phận quản lý đào tạo nhiều cấp. Chính vì vậy mà đến năm 2001, khi mà hệ đào tạo KTV đang phát triển rất mạnh mẽ thì Viện ĐH Mở HN lại không thể sử dụng con dấu đóng vào chứng chỉ KTV nữa!)

·         Thành lập CHI HỘI TIN HỌC Đại học Mở Hà Nội
Từ năm 1995, đã bắt đầu có sinh viên tốt nghiệp của Khoa ra trường, đảm nhiệm công tác ở nhiều cơ quan đơn vị trong cả nước, họ vẫn có nguyện vọng giữ một mối quan hệ gắn bó với Khoa. Nhiều cộng tác viên của Khoa cũng rất muốn tham gia các hoạt động nghiên cứu, học thuật cùng với tập thể cán bộ nhân viên trong Khoa. Tuy nhiên về mặt tổ chức thì Khoa CNTH của một Viện Đại học không thể có chức năng quản lý, điều phối những hoạt động trong phạm vi rộng như thế.
Là một thành viên sáng lập và cũng đã từng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Tin học Việt Nam, GS Thái Thanh Sơn đã thảo luận đề xuất giải pháp thành lập một chi hội của Hội Tin học Việt Nam, có thể thu hút thành viên một cách khá rộng rãi.
Ngày 01/6/1997 đại hội lần thứ nhất thành lập Chi hội Tin học Đại học Mở trực thuộc BCH TW Hội Tin học Việt Nam đã tiến hành thắng lợi và ngay sau đó đã được Chủ tịch BCH TW Hội Tin học Việt Nam ra quyết định công nhận.
Chi hội Tin học ĐH Mở Hà Nội bao gồm các phân hội gồm hội viên là cán bộ ngay trong Khoa và trong Viện, và có những phận hội bên ngoài, thu hút thành viên là những cựu sinh viên của Khoa, những cộng tác viên của Khoa trong từng ngành, từng khu vực như: phân hội quận Tây Hồ, phân hội Bắc Ninh, phân hội Hải phòng, phân hội Sơn Tây, phân hội Đà Nẵng, phân hội Quảng Ngãi, phân hội Bình Định; ngoài ra còn có những hội viên cá nhân trực thuộc …thời kỳ đông nhất số lượng hội viên lên đến trên 400.
Ngay sau khi thành lập Chi hội và các phân hội đã xúc tiến các hoạt động nghiên cứu, đào tạo tại các Trung tâm đào tạo thường xuyên Tây Hồ - Hà Nội, An Hải - Hải Phòng, tại trường Cao đẳng thống kê Bắc Ninh, trường Cao đẳng Việt Hung và các Trung tâm đào tạo tin học ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định…và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của các hội viên trong Chi hội chủ trì. Chi hội cũng rất quan tâm hỗ trợ có hiệu quả về mặt công nghệ cho các cơ sở kinh doanh trong ngành CNTT do hội viên chủ trì: điều này tạo điều kiện cho nhiều  sinh viên được tiếp xúc nhiều với thực tiễn và trưởng thành nhanh chóng.
*Hệ đào tạo Kỹ thuật viên Tin học được Chi hội tiếp quản, chứng chỉ KTV Tin học do Khoa và Chủ tịch Chi hội Tin học ký tên đóng dấu thay cho chữ ký và con dấu trước đây của Viện ĐH Mở HN. Kỹ thuật viên do các trung tâm thuộc Chi hội đào tạo ra vẫn được các nhà sử dụng tín nhiệm tiếp nhận như trước.
*Một hoạt động nổi bật của Chi hội là việc Chi hội chủ động nhận với Khoa đảm nhiệm hoàn toàn việc tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng và quản lý các đội tuyển sinh viên của Khoa hang năm tham sự kỳ thi Olympic Tin học toàn quốc do Hội Tin học VN và Bộ Giáo dục &Đào tạo đồng tổ chức, Ngay lần tham gia đầu tiên năm 1998, sinh viên Dương Thăng Long khóa 00-96B1 đã đạt giải Nhì khối chuyên Tin khu vực phía Bắc và giả Ba toàn quốc. Liên tiếp trong các năm sau, hàng năm sinh viên của đội tuyển Olympic Tin học Khoa CNTH – ĐH Mở HN luôn có người đạt thứ hạng cao và xếp hạng toàn đoàn hàng năm trong các trường đại học toàn quốc luôn vào loại Top 5, chỉ sau một vài trường lớn như: ĐH Bách khoa HN và TP HCM, ĐH Khoa học tự nhiên, Học viện kỹ thuật quân sự … Chính điều này đã góp phần rất quan trọng cho uy tín và tín nhiệm trong toàn quốc về mặt đào tạo tin học của Khoa: Trong “làng tin học” người ta đã nhắc đến tên FIT-HOU như là một địa chỉ đáng tin cậy, được coi trọng. Sinh viên FIT-HOU tốt nghiêp khi dự thi tuyển vào các cơ quan, xí nghiệp đều được xem là những đối thủ đáng gờm, và thực sự cũng đúng là như vậy!
·         Tổ ấm ổn định,
Sự ra đời của Chi hội Tin học cũng đã giúp Khoa giải quyết một vấn đề rất cơ bản: vấn đề địa điểm học tập.
Khó khăn rất lớn của Khoa CNTH nói riêng cũng như của toàn thể các Khoa trong Viện Đại học Mở Hà Nội nói chung từ những ngày đầu thành lập vẫn là việc tìm kiếm cho được một địa điểm khang trang đủ điều kiện tối thiệu để có thể tiến hành học tập ổn định trong ít nhất từ 5 – 10 năm.
Trong năm học đầu tiên 1993 – 1994 với số lượng sinh viên rất ít Khoa sử dụng địa điểm học tập cho sinh viên tại mấy phòng học chung của Viện ở cơ sở một phố Nguyễn Hiền trong khu Bách khoa.
Từ năm sau số lượng sinh viên các hệ đào tạo trong khoa dự kiến sẽ tăng lên gấp 3, 4 lần, lại có nhu cầu bức thiết về phòng máy tính cho thực hành nên địa điểm học tập tại cơ sở 1 của Viện hoàn toàn không thể đáp ứng được.
*Trước hết thông qua sự kết nối tích cực của đ/c Cao Mạnh Toàn và các hội viên Chi hội Tin học trong Khoa với Hội Tin học Hà Nội, Khoa đã liên hệ được với Công ty máy tính 3C giúp đỡ, hỗ trợ cho Khoa ký hợp đồng toàn quyền quản lý, khai thác và sử dụng một phòng máy tính gồm một mạng Novel Netware với 32 máy trạm và đầy đủ phụ kiện, thiết bị kèm theo. Khoa thành lập một Trung tâm thực hành đặt tại Câu lạc bộ Thanh niên Hà Nội ở Phố Tăng Bạt Hổ phân công một tổ quản lý do  Trương Tiến Tùng, lớp trưởng của khóa đầu tiên 91-01A mới tốt nghiệp được giữ lại Khoa làm Trưởng Trung tâm, cùng với Nguyễn thị Thu Thủy và Đinh Việt Nga - cũng là 2 sinh viên tốt nghiệp của Khoa được giữ lại - cùng quản lý . Tại thời điểm đó phòng máy tính thực hành như vậy đã là một niềm kiêu hãnh của cán bộ và sinh viên trong Khoa và cũng là niềm mơ ước của nhiều đơn vị đào tạo Tin học chính qui khác.
*Tiếp đó, các hội viên của phân hội Tây Hồ trong Chi hội Tin học lại quan hệ và giới thiệu cho Khoa thuê được địa điểm học tập tập trung và độc lập trong một khu vực có môi trường sư phạm rất tốt của Trung tâm đào tạo thường xuyên quận Tây Hồ với điều kiện rất ưu đãi. Khoa tiến hành đào tạo ổn định tại đấy trong 2 năm học 95-96 và 96-97, điều kiện địa điểm về mọi mặt đều có phần trội hơn so với các Khoa khác trong Viện.
Năm học 1997 – 1998 là một năm bản lề đối với Khoa về mặt cơ sở đào tạo.
*Chi hội Tin học với quan hệ và năng lực tài chính tự tạo của mình, đã đứng ra ký hợp đồng dài hạn thuê một cơ sở của Viện công nghiệp tầu thủy đang xây dựng dở dang (nguyên dự định dung để tổ chức một cơ sở đào tạo công nhân, kỹ thuật viên ngành vận tải thủy nhưng nay không sử dụng nữa) rồi chuyển giao gần như toàn bộ cho Khoa. Sở dĩ phải thông qua Chi hội Tin học là vì bên cho thuê yêu cầu thanh toán trước 50% tiền thuê cơ sở cho 5 năm. số tiền lên đến hàng mấy tỷ đồng. Mà khả năng tài chính của Khoa thì hoàn toàn do tự lực cánh sinh theo nguồn thu hàng năm, không hề có kinh phí của Viện hay Bộ cấp, Khoa chỉ có thể thanh toán tiền thuê cơ sở trong từng năm một, phải nhờ đến nguồn tài chính xã hội hóa mạnh mẽ của Chi hội Tin học: Chi hội Tin học thuê dài hạn trả tiền trước 5 năm rồi cho Khoa thuê lại trả tiền theo từng năm, Chi hội Tin học chỉ giữ lại một văn phòng làm việc nhỏ trong toàn bộ cơ sở.
Và như vậy là từ đầu năm 1998, tại địa điểm Ngõ 161 Đê La Thành, Khoa Công nghệ Tin học – Đại học Mở Hà Nội đã tạo dựng được một cơ sở  khang trang, phục vụ đào tạo, học tập và sinh hoạt  cho sinh viên với  6 phòng làm việc cho Khoa và các Bộ môn, trung tâm, 12 phòng học và 2 Hội trường rộng rãi, 4 phòng máy thực hành, mỗi phòng 30 máy, hàng chục máy tính kết nối mạng và Internet sử dụng cho quản lý và nghiên cứu khoa học, có cả sân chơi và khu vực để xe cho cán bộ sinh viên.     
·         Về tổ chức , trong giai đoạn này Viện ĐH Mở Hà Nội quyết định bổ nhiệm chính thức Hội đồng Khoa học và đào tạo Khóa II gồm:
1/ Chủ tịch:               GS-TS Thái Thanh Sơn – Chủ nhiệm Khoa
2/ Phó Chủ tịch:       PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Khoa
3/ Thư ký Khoa học:            ThS Lương Cao Đông
4/  Cố vấn Khoa học:          GS-TS Phan Đình Diệu
5/  Ủy viên:                PGS-TS Nguyễn Gia Hiểu
6/                                 PGS-TS Phạm Văn Ất
7/                                 PGS-TS Nguyễn Địch
8/                                 PGS-TS Nguyễn Thanh Thủy
9/                                 PGS-TSKH Bùi Công Cường
10/                               ThS Thái Thanh Tùng
11/                               Kỹ sư Vũ Việt Anh
            Khoa đề nghị và được Viện đồng ý cho thành lập 05 Bộ môn:
1/ Bộ môn Khoa học xã hội           Tổ trưởng:     Đoàn Văn Đức
2/ Bộ môn Tiếng Anh chuyên ngành      TT        Đoàn Đức Hạnh
3/ Bộ môn Toán học                                    TT        Nguyễn Địch
4/ Bộ môn Công nghệ phần mềm              TT        Phạm Văn Ất
5/ Bộ môn Hệ thống TT & Mạng MT           TT        Nguyễn  Gia Hiểu
Để phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học và tiếp cận sản xuất – một nhiệm vụ không thể thiếu đối với mọi trường đại học – ngày 10/8/1998 Khoa đã được Viện đồng ý cho phép thành lập  hai cơ sở trực thuộc Khoa: Trung tâm nghiên cứu công nghệ đào tạo trực tuyếnTrung tâm quản trị thiết bị CNTT và Mạng máy tính 
1/ Trung tâm Công nghệ đào tạo trực tuyến                  Trưởng TT:    Thái Thanh Tùng
2/ Trung tâm Quản trị thiết bị và Mạng                            Trưởng TT:    Vũ Việt Anh
Trung tâm Công nghệ đào tạo trực tuyếnOnline Instructional Technology Center – OITC được thành lập theo mô hình của Trường Đại học Bang Utah, Mỹ – UTAH State University, về sau đổi tên thành Trung tâm Công nghệ và dịch vụ trực tuyếnOnline Technique and Service Center – OTSC là nơi thai nghén và ra đời của hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học của Khoa suốt hàng chục  năm sau này.
Trung tâm quản trị thiết bị và mạng máy tínhEquipment & Network Management Center – ENMC là cơ sở về chuyên chăm sóc các thiết bị phần cứng và hệ thống mạng máy tính sử dụng cho học tập, thực hành, nghiên cứu khoa học trong Khoa. Trung tâm này hoạt động rất có hiệu quả: chỉ riêng chi phí bảo trì sửa chữa hang trăm thiết bị của Khoa hàng năm cũng giảm được hàng trăm triệu. Không những có tác dụng rõ rệt trong Khoa mà Trung tâm còn phát huy tác dụng tích cực đối với toàn Viện và cả đối với các cơ sở liên kết cũng như các cơ sở kinh doanh bên ngoài, góp thêm kinh phí hoạt động cho Khoa và nhất là tạo điều kiện thực tập, thực hành cho sinh viên tiếp cận thực tiễn. Một thành tích rất to lớn và có ích cho xã hội sau đây cần phải kể đến. Khoa có 3 phòng máy tính thực hành với khoảng 100 máy PC. Hàng năm, trung bình thay mới một phòng và có khoảng 30 PC bị thanh lý, loại bỏ. ENMC đã cùng với chi hội tin học tổ chức phục hồi, bảo dưỡng và cung cấp với điều kiện rất ưu đãi (hầu như biếu, tặng) cho các đơn vị liên kết như: Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ, Trường T80 (Trường con em dân tộc và học sinh Lào, Campuchia), Trường Tiểu học Thăng Long – đơn vị truyền thống của ngành giáo dục. Chính nhờ công việc này mà các đơn vị đó  mới có điều kiện tiến hành liên kết đào tạo Tin học với Khoa và tự đào tạo cho học sinh của mình.
·         Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập…và sau đó…
Thầy trò Tin học Khoa ta,
Hàng năm nhớ Hội THÁNG BA NGÀY RẰM
Từ năm 1994, Thầy trò Khoa CNTH - ĐHM HN luôn ghi nhớ ngày Hội Khoa : “Rằm tháng Ba” và hàng năm đều tổ chức Lễ Hội kỷ niệm trang trọng và ấm cúng.
Năm 2003, Lễ hội kỷ niệm 10 năm thành lập là một dịp để Thầy trò toàn Khoa nhìn lại những chặng đường khó khăn gian khổ nhưng đây tự hào của mình. Cho đến hôm đó Khoa CNTH ĐHM HN đã tự hào chính thức nằm trong hàng ngũ những đơn vị đào tạo và nghiên cứu ứng dụng CNTT có tín nhiệm trong cả nước.
Ngày 15/3/2003, hơn 2000 cán bộ, sinh viên, có cả nhiều đại diện sinh viên từ Quảng Bình, Đà Nẵng, Hải Phòng, Sơn Tây, Nam Định và rất rất nhiều cựu sinh viên của Khoa – không có thông báo mới trực tiếp mà chỉ qua theo dõi trên mạng Internet – đã tập trung về Công viên nước Hồ Tây tham gia lễ hội. Ngoài phần thủ tục báo cáo, tổng kết, sinh hoạt cắm trại và lửa trại từ đêm trước đã tạo ra một không khí thân thiết, tưng bừng…như con cháu trong một đại gia đình xa nhau lâu ngày được về họp mặt.


                                       GS Thái Thanh Sơn trang trọng Khai mạc Hội thảo




Một điểm nhấn quan trọng – mà nhiều lễ hội kỷ niệm cấp Khoa, ngay cả cấp Trường cũng khó tổ chức – đã được tiến hành nghiêm túc và có chất lượng: Hội thảo khoa học về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo. Tham gia Hội thảo, có nhiều báo cáo và tham luận có chất lượng (sau đó một số đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài) không những chỉ của giảng viên cán bộ trong Khoa mà còn có sự đóng góp của một số nhà khoa học hàng đầu trong nước : GS Phan Đình Diệu,


Khách quốc tế và bè bạn tham dự Hội thảo

GS Nguyễn Thanh Thủy, PGS Phạm Văn Ất, GS Lâm Quang Thiệp, PGS Vũ Chấn Hưng, PGS Vũ Ngọc Cừ v..v… đặc biệt còn có một số khách mời quốc tế tham dự. Một điều đáng ngạc nhiên và trân trọng – điều này hình như chưa hề xảy ra ở Việt Nam đối với một Hội nghi khoa học cấp Khoa – là sự có mặt nghiêm túc, tham dự từ đầu đến cuối Hội thảo và tham gia phát biểu của Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu khoa học và Vụ Giáo dục thường xuyên cúa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Viện phó Viện Giáo dục Việt Nam.
Sau Lễ hội kỷ niệm 10 năm thành lập đáng nhớ đó, trong ngành CNTT nước nhà nói chung, cái tên FITHOU đã trở thành quen thuộc và được yêu mến của đông đảo mọi người. (Sinh viên FITHOU trước đây có khi còn mặc cảm tự ti đôi chút trước bạn học ở các trường “Ông lớn” nhưng nay đã hoàn toàn tự tin ngửng cao đầu – và thực sự cũng có quyền ngửng cao đầu!)
·         Nhà trường ảo FITHOU CYBERSCHOOL
Internet ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng ứng dụng còn hạn chế và còn chưa phổ biến, Việt Nam mãi đến tháng 12/1997 mới bắt đầu ký kết tham gia.Từ hội thảo Mauritius năm 1992 về các phương tiện truyền thông multimedia sử dụng cho đào tạo từ xa rồi đến các khảo sát trong các năm sau ở các Đại học Mở Thái Lan – Ramkhamheng và SukhoThai Thammathirat - và hệ thống Đại học Phát thanh & Truyền hình Trung quốc – Côn Minh và Thương Hải…Viện Đại học Mở Hà Nội trong những năm đầu khẳng định chọn một kênh của đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam làm phương tiện truyền thông sử dụng trong đào tạo từ xa trong Viện (Chủ yếu là cho Khoa kinh tế và Khoa Luật)


Lê Hữu Dũng, “đại ca” bé nhỏ, một trong các nguồn sức sống cua OTSC

Tuy nhiên sau quá trình nghiên cứu tìm hiểu của mình và thông qua các hội thảo quốc tế tế do APEID, UNESCO và UNEVOC tổ chức, nhất là sau đợt tìm hiểu và khảo sát tại chỗ tại trường Đại học bang UTAH – Utah State University ở Mỹ, Khoa CNTH khẳng định quyết tâm nghiên cứu phương thức đào tạo từ xa qua máy tính và Interrnet – Computer aided Learning and Internet based training: đây là một quyết định táo bạo và đột phá trong thời kỳ đó.
Năm 2000, Khoa xây dựng website đầu tiên của mình tại địa chỉ:
Chỉ sau không đầy một năm, số lượt truy cập website đã lên đến hàng trăm ngàn và VNPT đã đánh giá đây là một website giáo dục  có lượng truy cập vào loại lớn nhất ở Việt nam thời đó.
Năm 2001, Khoa bắt đầu phát triển rộng hệ đào tạo từ xa và có các Trung tâm đào tạo tại Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi v..v.., nhu cầu giao lưu giữa học viên ở xa với Khoa và nhà trường tăng vọt và trở nên bức thiết. Khoa đã chỉ đạo trung tâm OTSC nhanh chóng xây dựng một diễn đàn trao đổi học tập tích hợp vào website để đưa lên một số giáo trình, bài giảng, bài tập thực hành đồng thời tạo một kênh giao tiếp thân thiện và thuận tiện cho học viên với Khoa, với giáo viên, giữa học viên với nhau. Sinh viên hưởng ứng quá nhiệt tình, chỉ trong vòng 6 tháng số thành viên đăng ký đã lên đến trên 3000 sinh viên đang học và rất nhiều người ngoài Khoa), hàng ngày có hàng trăm thậm chí những dịp cuối kỳ học có khi lên đến hàng nghìn lượt truy cập. Một diễn đàn trên website hoàn toàn không đủ khả năng đáp ứng! Trung tâm OISC theo chỉ đạo của Khoa đã nhanh chóng tách và nâng cấp diến đàn trao đổi học tập thành một “Nhà trường ảo” : FITHOU CYBERSCHOOL đặt tại địa chỉ:                                   www.forum.fithou.net.vn
Forum.fithou  có gần đủ các chức năng giao tiếp: Thầy – Trò, Người học – Bạn đồng học, Người học – Tổ chức quản lý học tập. với nhiều diễn đàn con: từ các diễn đàn trao đổi học tập và các tutorial học tập theo từng Bộ môn, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm học tập, làm bài tập, khóa luận…cho đến các diễn đàn trao đổi sinh hoạt, tin tức vui buồn mọi mặt trong Khoa, cập nhật thông tin, thông báo v..v.. thực sự trở thành là một “nhà trường ảo của tập thể cán bộ và sinh viên FITHOU.
Năm 2002 và 2003, đại diện của Khoa đã giới thiệu FITHOU Cyberschool tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế của AAOU, APEID và UNESCO, UNEVOC và đặc biệt tại 2 hội nghị World Summit of MegaUniversities của các “đại gia” hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo từ xa và đào tạo mở quốc tế  tại Thái Lan, Indonesia, Trung quốc, Hàn quốc, Canada, Vương quốc Anh…và đã nhận được những đánh giá khá trân trọng. Qua các hội thảo đó, 2 cán bộ của Khoa (OTSC): Thái Thanh Tùng và Lê Hữu Dũng, được mời tham gia dự án : Đại học ảo tiểu vùng Mekong – The Great Mekong Subregion Virtual University – GMS VU - do UNESCO Châu Á – Thái bình dương chủ trì và tài trợ. Tiếp sau đó OTSC đã ký hợp đồng xây dựng gói phần mềm thực hiện một chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc tế trong khu vực cho GMS VU.


FITHOU Cyberschool cũng là nội dung chủ yếu trong báo cáo tổng kết của đề tài cấp Bộ của Khoa: “Nghiên cứu công nghệ đào tạo mới trong đào tạo từ xa và đào tạo mở” tiến hành trong 2 năm 2002 – 2004 và đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá xuất sắc tháng 12/2004.

Trong những năm 2005 -2006 cán bộ và thực tập sinh Khoa CNTT và trung tâm OTSC đã tiếp tục nghiên cứu nâng cấp đề tài gốc ban đầu thành nhiều gói phần mềm ứng dụng có thể sử dụng hoàn toàn có hiệu quả cho đào tạo. Tuy nhiên suốt trong thời gian 4, 5 năm sau năm 2006 khi có đường lối và các biện pháp quản lý mới của Viện thì tính chủ động của Khoa và các Trung tâm trong Khoa gặp nhiều hạn chế. Cũng vì nhiều lý do “nhạy cảm” mà trước đây hồi 2003 – 2004 Viện đã sử dụng toàn bộ gói kinh phí khá lớn trên 4 tỷ đồng của Bộ cấp cho đề tài nghiên cứu công nghệ cho đào tạo của Viện để trang bị hệ thống “Cầu truyền hình sử dụng cho đào tạo từ xa” mà không dành một tỷ lệ khiêm tốn dù chỉ 10 -15% cho đề tài của Khoa (Được biết Cầu truyền hình cho đào tạo là một sản phẩm của Học viện Bưu chính – Viễn thông sản xuất ra nhưng không sử dụng được mà cũng không thể bán cho ai nên đã gợi ý “bán rẻ” cho Viện ĐH Mở HN). Hệ quả rất rõ ràng là sản phẩm cầu truyền hình trong ĐTTX qua vài lần “trình diễn” thì sau đó không hề được dùng vì hiển nhiên là điều kiện ứng dụng, dàn dựng, bảo trì thiết bị, tập hợp học viên v..v.. quá khó khăn và tốn kém, không thể dùng nổi. Trong khi đó FITHOU Cyberschool không hề có đồng kinh phí nào được Bộ và Viện rót vào mà vẫn phát huy tác dụng tốt. 

Kéo xuống, nhấn vào "Bài đăng cũ hơn" để đọc tiếp Phần IV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét