Viễn thông lấn sân ngân hàng
Sau khi làm mưa làm gió trên thị trường di động, các hãng viễn thông bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng. Nhiều dịch vụ ví điện tử phục vụ các hoạt động thanh toán nhanh gọn do nhà mạng cung cấp đã xuất hiện tại VN.
Không còn đơn thuần phục vụ việc thông tin, liên lạc, các hãng viễn thông đang có xu hướng biến chiếc điện thoại di động thành chiếc ví điện tử, giúp khách hàng thanh toán, chuyển tiền một cách thuận tiện nhất. Mới đây, hãng viễn thông di động VinaPhone đã phối hợp với một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, ABBank... ra mắt ví điện tử có tên MoMo. Đây là hãng viễn thông đầu tiên trong số 8 mạng di động ở Việt Nam ra mắt loại hình dịch vụ ví điện tử.Dịch vụ này cho phép khách hàng sử dụng các tiện ích như thanh toán tiền cước, điện nước, mua vé máy bay, hay thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Muốn sử dụng ví điện tử MoMo khách hàng chỉ cần dùng một chiếc sim di động thiết kế riêng của VinaPhone nối với một tài khoản ngân hàng.
Người sử dụng không cần mang theo tiền mặt, các hoạt động thanh toán được thực hiện qua di động tại bất cứ nơi nào có sóng và là điểm kết nối của VinaPhone. Chiếc sim này được tích hợp với tài khoản của ngân hàng, khách hàng có thể chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng vào ví và ngược lại... với giao dịch tối đa lên tới 20 triệu mỗi ngày.
VinaPhone đặt tham vọng sẽ có khoảng 1 triệu khách hàng sử dụng ví điện tử MoMo trong năm 2011. Ảnh minh họa. |
Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone cho biết ví điện tử MoMo này sẽ kết nối với trên 15.000 đại lý các loại hàng hóa, dịch vụ thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, các trường hợp con cái muốn chuyển tiền cho bố mẹ ở quê, hoặc bố mẹ muốn gửi tiền cho con đang học đại học... chỉ cần làm thao tác bắn tiền từ di động đến di động. "Đây là dịch vụ cộng thêm của ngân hàng và phục vụ các giao dịch nhỏ lẻ với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng di động", ông Thắng nói.
Mức cước thuê bao dành cho dịch vụ ví điện tử MoMo là 5.000 đồng mỗi tháng, mỗi một giao dịch khách hàng sẽ phải trả thêm 200 đồng. VinaPhone cho biết họ kỳ vọng dịch vụ ví điện tử MoMo sẽ thu hút được khoảng 1 triệu khách hàng trong năm 2011.
Trước đó, Viettel cũng Viettel và Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho ra mắt dịch vụ BankPlus cho phép khách hàng có thể thực hiện trực tiếp các giao dịch ngân hàng trên điện thoại di động. BankPlus cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản, tra cứu lịch sử giao dịch, nộp hoặc rút tiền từ tài khoản, chuyển tiền trong hệ thống MB, chuyển tiền người nhận bằng chứng minh nhân dân, ví điện tử, thanh toán hóa đơn cho thuê bao di động trả sau, hóa đơn Homephone, hóa đơn ADSL, nạp tiền cho thuê bao di động trả trước của Viettel (cho chính chủ tài khoản hoặc cho người khác); thanh toán các loại hóa đơn khác,… Bankplus được cung cấp tại gần 1.000 điểm giao dịch của Viettel trên toàn quốc và 100 điểm giao dịch của MB.
Lãnh đạo Viettel từng đặt tham vọng khách hàng ra đường không cần mang ví tiền mà chỉ cần cầm theo chiếc di động. Chú dế sẽ làm nhiệm vụ thanh toán tiền nước uống, đồ ăn và các dịch vụ mua sắm của khách hàng, thậm chí là kiểm tra độ an toàn của bình gas ở nhà, và kiêm cả nhiệm vụ vệ sĩ khi chủ nhà đi vắng. "Tất nhiên, để triển khai dịch vụ này đòi hỏi sự tích hợp của hệ thống thanh toán, thói quen của người tiêu dùng và các dịch vụ khác cộng thêm...", một lãnh đạo Viettel nói.
Giới chuyên gia cho biết ví điện tử xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm. Nó giống như một người giữ tiền trung gian đứng ra thay mặt ngân hàng thực hiện thanh toán cho người sử dụng trong các hoạt động thương mại điện tử. Hàng loạt dịch vụ ví điện tử đang xuất hiện trên thị trường VN như Netcash của Công ty PayNet, Vcash của Công ty VinaPay, VnMart của Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (Vnpay), Smartlink của Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink...
Mỗi dịch vụ ví đều được các doanh nghiệp cung cấp quảng cáo những tính năng hỗ trợ thanh toán tiện lợi khác nhau. Mỗi ví cũng khác nhau ở số lượng website thương mại điện tử và các sản phẩm mà nó cho phép thanh toán. Một đại diện ngân hàng Vietcombank cho rằng phương thức chuyển tiền từ di động tới thuê bao di động không phải là một dịch vụ cạnh tranh với ngân hàng. Đây đơn thuần là dịch vụ giá trị gia tăng, cộng thêm cho các phương thức thanh toán của ngân hàng - khi mà các giao nhỏ lẻ mà hệ thống ngân hàng chưa với tới.
Nguồn tin từ Công ty PayNet cho rằng người dùng hiện nay sử dụng ví điện tử để thanh toán chủ yếu trong thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn, mua vé tàu xe, máy bay... sắp tới sẽ áp dụng trong thanh toán chính phủ điện tử. Trong tương lai sẽ có thể áp dụng để thanh toán ở ngoài đời như vé xe buýt, quán ăn, cà phê... Giao dịch điện tử đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng vì sẽ xóa bỏ khá nhiều khâu trung gian như đi lại, ký giấy tờ, rút tiền mặt... và tiết kiệm thời gian, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dùng.
Ngoài ra, đối với những người dùng không có tài khoản ngân hàng như học sinh, người chưa đủ tuổi để mở tài khoản thì cha mẹ có thể mở cho con mình một tài khoản ví điện tử. Khi muốn cho con mặt hàng nào đó, cha mẹ chỉ việc chuyển số tiền cần thiết từ tài khoản ngân hàng của mình sang ví điện tử của con để thanh toán. Các ví điện tử còn có thể chuyển tiền giữa các tài khoản với nhau, giúp những người dùng có thể tặng tiền, cho mượn tiền, thanh toán giúp... dễ dàng. Từ đó tạo nên một cộng đồng thanh toán không tiền mặt.
Giới chuyên gia cho rằng ở nhiều nước trên thế giới các hoạt động thanh toán chủ yếu thông qua thẻ, ví điện tử được coi là công cụ khá hữu hiệu và rất phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam, văn hóa người tiêu dùng chủ yếu vẫn thanh toán bằng tiền mặt, số người dùng ví điện tử còn rất ít bởi họ không có được nhiều thông tin về loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, điểm hạn chế lớn nhất của ví điện tử này là sự tích hợp bởi hệ thống các cửa hàng, đại lý kinh doanh và bày bán hàng hóa, dịch vụ.
Một chuyên gia cho rằng hiện nay rất nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường nhưng không liên thông với nhau nên làm khó người sử dụng. Giống như trước kia chưa có sự liên kết giữa các ngân hàng làm việc rút tiền từ các máy ATM rất khó khăn. Do vậy, để chiếc ví điện tử này thực sự trở thành phương tiện thanh toán hữu ích cho người tiêu dùng đòi hỏi nhà mạng không chỉ bắt tay tốt với ngân hàng, mở rộng vùng phủ sóng mà còn phải mở rộng các điểm giao dịch, liên thông với các dịch vụ hàng hóa...
Hồng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét