|
(ĐSCT) Trong những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp người đã mã hoá bức điện mật “thần tốc, táo bạo” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước lúc truyền qua vô tuyến điện trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ông là đại tá Nguyễn Đức Mãi, một trong những người lính cơ yếu đầu tiên của Đoàn 559.
MỘT THỜI XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC
Trong căn nhà được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, nép bên con hẻm cụt ở phường Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An, cựu đại tá cơ yếu của Đoàn 559 rót nước mời chúng tôi. Năm nay 84 tuổi, tóc đã nhuốm bạc nhưng trông ông Nguyễn Đức Mãi rất minh mẫn và ánh mắt rạng ngời lên qua mỗi câu chuyện về một thời hào hùng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.Quê gốc của ông ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ông được kết nạp vào Đảng lúc mới 23 tuổi, sau đó huyện đội cử đi học lớp địch vận, rồi học lớp cán bộ chính trị. Là đảng viên lại đã học xong lớp chính trị nên ông tiếp tục được chọn đi học lớp cơ yếu để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Sau sáu tháng học tập, ông được phân về khu vực cảng Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh và cảng Hòn La (Quảng Bình) để theo dõi tình hình tàu thuyền lạ qua lại vùng biển này.
Khi Đoàn 559 ra đời với nhiệm vụ vận tải quân sự phục vụ chiến trường, ông được Bộ tổng tham mưu điều về đây nhận nhiệm vụ ở tổ điện đài do đại úy Chu Đăng Chữ phụ trách. Đoàn 559 đóng tại khu vực khe Hó, hướng tây huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tổ điện đài được đặt ở đỉnh 1701 động Voi Mẹp nằm ở phía bắc đường 9. Thời gian này, tổ điện đài hoạt động trong hang đá giữa rừng sâu và liên tục phải di chuyển chỗ ở. Để tránh bị lộ, mọi công việc đều phải tiến hành vào ban đêm với khẩu hiệu “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng” và cứ vài ngày lại phải di chuyển địa điểm một lần.
Khoảng tháng 4-1964, quân ngụy Sài Gòn phối hợp với phỉ Vàng Pao tổ chức những trận càn quét dọc hành lang đường 9. Khi bị địch phát hiện, ông Mãi cùng đồng đội vừa phải chống cự vừa bảo vệ thiết bị thông tin và những tài liệu quan trọng chưa kịp chuyển vào Nam. Trong trận càn này, hai đồng chí của ông là Trần Tương (quê Quảng Nam) và Nguyễn Đức Thông (quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã bị địch bắt. Trước hai chiến sĩ cơ yếu trung kiên, địch không khai thác được gì nên ra tay sát hại rồi vứt xác trong rừng. Sau khi địch rút đi, đồng bào dân tộc Vân Kiều đã đưa họ về chôn cất.
Hoạt động trong vùng rừng thiêng nước độc, luôn phải đối diện với thiếu thốn, bệnh sốt rét và cái chết có thể đến bất ngờ nhưng họ đã vượt qua tất cả. Những chuyến hàng từ hậu phương đều đặn được vận chuyển ra tiền tuyến. Hàng ngàn công văn, tài liệu, điện mật được đảm bảo từ Bắc vào Nam không lộ bí mật. Những công việc thầm lặng của Đoàn 559 đã góp phần tạo nên một đường Trường Sơn huyền thoại với những chiến công lẫy lừng. ĐƯA MỆNH LỆNH ĐẾN TOÀN QUÂN
Ngày 7-4-1975, Đoàn 559 nhận được một bức điện mật rất quan trọng từ Bộ tổng tham mưu với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng! Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Bức điện mật này là mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo đến toàn quân. Đoàn 559 được giao nhiệm vụ mã hoá trước lúc phát lên vô tuyến điện tín. Người chỉ đạo trực tiếp mã hoá bức mật thư này là đại tá Nguyễn Đức Mãi.
“Là lính của Đoàn 559, tôi đã thực hiện giải mã, mã hoá hàng ngàn bức mật điện. Nhưng vinh dự nhất của cuộc đời làm lính cơ yếu của tôi là được giao nhiệm vụ mã hoá mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhận thức được trọng trách đó và tầm quan trọng của bức điện này nên tôi phải thực hiện kỹ càng từng ly từng tý, không được để sơ sót dù rất nhỏã” - ông kể.
Sau một đêm vật lộn với từng ký hiệu, ngày hôm sau nội dung bức điện được mã hoá theo các từ khoá mới đã quy ước với các đơn vị tiếp nhận để truyền qua sóng vô tuyến điện. Ông Mãi bồi hồi nhớ lại: “Sau khi mệnh lệnh được truyền đi, tôi hồi hộp chờ đợi xem có biến động gì không. Suốt ngày tôi cứ nghe ngóng các đài nước ngoài đang rất chú ý và theo sát cuộc chiến tranh Việt Nam xem có bị lộ không. Đó là những ngày vừa căng thẳng vừa hồi hộp nhất của tôi”.
Trưa 30-4-1975, giữa đại ngàn Trường Sơn, ông Mãi lại vinh dự đón nhận bức điện mật của Bộ chỉ huy mặt trận cánh đông do trung tướng Lê Trọng Tấn chuyển về với nội dung: “...toàn bộ Lữ đoàn 203, E9, E66PB, CX của Quân đoàn 2 đã vào Sài Gòn chiếm lĩnh dinh Độc Lập, bắt Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu cùng nhân viên cao cấp ngụy Sài Gòn đang họp. Bắt Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (12 giờ, giờ Sài Gòn).
- Quân đoàn 2 đang tiếp tục bố trí lực lượng - Quân đoàn 4 đang tiếp tục chiếm lĩnh các mục tiêu” Bức điện nhanh chóng được giải mã, truyền ra Bộ tổng tham mưu ở Hà Nội.
Sau giải phóng, Đoàn 559 chuyển thành Tổng cục kinh tế, đại tá Nguyễn Đức Mãi về làm Phó hiệu trưởng Trường cơ yếu quân đội, đến năm 1981 là hiệu trưởng của trường này cho đến lúc nghỉ hưu.
|