Chuyên đề NGÔN NGỮ VIỆT: NÓI LÁI
NÓI LÁI:
Một điều độc đáo trong ngôn ngữ Việt Nam
Tôi cũng đã lang thang đến nhiều nơi trên thế giới và cũng biết, cũng giao tiếp được bằng một số ngôn ngữ. Nhưng có lẽ chưa ở đâu thấy được một hiện tượng ngôn ngữ quần chúng, thú vị và đặc sắc như chuyện NÓI LÁI trong tiếng Việt.
Có lẽ là người Việt Nam, chẳng mấy ai không biết đến những câu chuyện như chuyện "Lọ mắm đại phong" của Trạng Quỳnh ( Đại phong = gió lớn => đổ chùa => Tượng lo = Lọ tương; hay những câu thơ dí dỏm của Hồ Xuân Hương mà đọc xuôi lại nhiều anh chị đỏ mặt:
... "Chái gió cho nên phải lộn lèo..."
* Còn nhớ hồi năm 1966,67, 68... trường ĐHBK sơ tán lên khu C ở Lạng Sơn, anh em Bộ môn Toán chúng tôi và thêm mấy anh bên Hình họa, Cơ Lý thuyết, Nga văn, Thể dục như các anh Đỗ Mạnh Môn, Nguyễn Văn Điểm, Bành Xuân Thọ, anh Vị, anh Lạng v..v.. ở tập trung tại khu nhà 10 gian "hoành tráng", buổi tối tiết kiệm đèn dầu, quây quần bên bếp lửa, chia nhau củ sắn lùi và rồi râm ran chuyện "trạng" và thế là nói lái lên ngôi...
* Thoạt đầu là tặng bí danh cho các Thầy. Thầy nào có tên vần L thì thôi rồi! nhất loạt được phong chức đồn trưởng: Đồn Lôi (Đỗ Xuân Lôi), Đồn Lục (Vũ Lục), Đồn Long (Vũ Long), đồn Lạng...Rồi giáo Thái (Nguyễn Trọng Thái), Cụ Điểm, Cụ Môn lò, ông Tú Đạo (Nguyễn Văn Đạo), cậu Tú Vị, Chú Vinh (Lê Trọng Vinh) v..v... Khổ thân anh Trần Văn Phồn, chẳng biết gì về thuốc men mà anh em vẫn cứ gọi là Lang Phồn, tức mình quá anh quyết định làm thủ tục đổi tên là Trần Tuấn Điệp, thế là từ cấp bậc lang y anh em hạ anh xuống cấp Tú Điệp ngay ( tiếp trà tiếp nước thì được chứ tiếp x..x..x.. thì gay quá). Anh Nguyễn Văn Ba vênh váo: - Tên tớ thì đố anh nào xỏ xiên được! Ấy thế mà cũng không thoát: Vốn anh em vẫn thường gọi anh là Cụ Bơ chứ chẳng ai gọi là cụ Ba cả, bèn có luôn mấy câu thơ lục bát tặng cụ Bơ ruồi:
- Cụ Bơ là cụ Bơ ruồi,
Buồn tình vì nỗi cái B... cụ rơ
Rơ từ năm xửa năm xưa,
Không lo sửa lại có cơ mốc xì
Anh tức lắm cứ làu bàu: - Xỏ lá xỏ lá , quân này đểu! (Hồi đó anh Ba vào loại lớn tuổi nhất nhưng chưa có vợ!).
Chàng đẹp trai tài hoa Vũ Duy Khắc mới bên Tây về cũng yên chí vì tên mình độc đáo, khó lái. Không sao, mấy anh dân khu Bốn tặng luôn cho anh tên Cụ Khắc (hì hì: cái đàng trước cái đàng sau!) còn mấy anh khác dùng nguyên tên anh để lái tiếng Nga : Duy Khắc => Dắc Kh...
* Hết chuyện đặt bí danh, nâng trình văn học lên một cấp, bèn cùng nhau sáng tác thơ lái (kiểu Hồ Xuân Hương). Tôi có bài thơ sau đây, tuy không có hồn thơ lai láng mênh mông, long lanh mây hồng nắng nhạt mùa thu cách mạng hay điệu sáo tâm hồn gì gì như thơ của các bác "thợ chắp vần" trong các Câu lạc bộ thơ, nhưng kể ra nếu có cuộc thi thơ độc đáo nào thì chắc chắn lọt vào vòng chung kết và đoạt giải nhất. Nhan đề bài thơ là
Thú vui bốn mùa
- Ngày Xuân thong thả ĐỐ VÀI KEO
(Trong các trò chơi Tết, có trò "giải câu đố" rất trí tuệ)
- Trưa hè NẮNG CỰC, CÁ KHÔNG REO
(Nắng quá, cá lặn xuống bùn hết, không nổi lên mặt nước)
- Chiều thu sao ĐIỆN LU MU thế
(Thủy điện chuỗi ngoài Nà Lình, mùa nước cạn nên điện yếu )
- Đêm Đông vào bản MÁN TRONG ĐÈO
(Đêm đông ngoài bờ sông lạnh, vào bản dân tộc chơi)
Ôi nhớ da diết những kỷ niệm nghịch ngợm hồn nhiên của một thời trai trẻ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét