Sưu tầm và cải biên theo Lê Hoàng - Thanhnienonline
Ngày xưa - cái thời mà nhân loại còn ở vào chế độ mẫu hệ, nghĩa là đàn bà làm sếp - đàn ông không đeo dây chuyền, và nói chung, họ chả đeo gì cả. Chỉ cần đeo cái kiếp đàn ông cũng đủ khổ lắm rồi.
Cũng ngày xưa, giữa đàn ông và đàn bà không hề có cái gọi là tình yêu. Chỉ có sự chiếm đoạt. Đàn bà đi trên đường phố, thấy chàng trai nào trẻ đẹp hoặc khỏe mạnh thì bắt về ép phải làm chồng.
Nhưng bắt bằng gì? Đầu tiên là bằng lưới. Đàn bà đi đâu cũng thủ sẵn một cái lưới bên mình, thấy đàn ông nào ngon là quăng ra chụp lấy.
Phương pháp này hay, chắc chắn vì hầu như lưới đã tung ra là đàn ông hết cách vẫy vùng. Nhưng có nhiều nỗi bất tiện vì đàn ông có nhiều loại, loại nhỏ quá thì dễ chui lọt lưới, còn loại to quá thì lưới không vừa. Hậu quả là có nhiều đàn ông trốn thoát.
Phương pháp thứ hai là dùng mồi nhử. Đàn bà nấu những mâm cơm ngon, rượu thịt ê hề bày ra vỉa hè. Đàn ông ham nhậu, sà vào ăn uống đến khi say là đàn bà ung dung ra nhặt lấy, mang về.
Phương pháp này có lợi là có thể bắt được nhiều đàn ông một lúc, nhưng chi phí rất tốn kém. Đó là chưa kể một vài đàn ông uống mãi không say, hoặc một số đàn ông cực tốt chả khi nào chịu uống, đàn bà chả khi nào tóm được.
Phương pháp thứ ba là dùng nghệ thuật. Đàn bà bỏ công sức ra tập hát, tập múa biểu diễn khiến đàn ông nô nức kéo đến xem. Đang xem thì đàn bà khóa cổng lại, dùng xe tải tới vây bắt. Cách này tuyệt vời là bắt được cả đàn. Nhưng đàn bà quá lạm dụng nó. Họ tập múa qua loa hoặc tập hát sơ sài, đàn ông không tới mà toàn đàn bà và trẻ con tới coi, nên năng suất và sản lượng đánh bắt đều giảm.
Cuối cùng, trước nguy cơ không tóm được những đàn ông cần thiết, chính quyền (lúc ấy toàn do đàn bà nắm giữ) ban bố một điều luật kinh khủng: hễ đàn bà gặp đàn ông ở đâu, là có thể túm lấy bất kỳ một chỗ nào trên cơ thể để lôi về.
Luật ban ra, đàn bà reo hò và xông tới các vỉa hè, các trụ sở công ty. Gặp anh có tay dài họ nắm tay, gặp ông có chân dài họ lôi chân, gặp chàng có tai to họ kéo tai, gặp chàng có tóc họ sợ gì mà không kéo tóc. Vì thế mới có câu “Nắm chàng có tóc chứ không nắm chàng trọc đầu”.
Phương pháp này rất hiệu quả, tuy nhiên số đàn ông bị thương vong quá nhiều. Kẻ thì sứt tai, kẻ thì rách mũi, kẻ thì bị vặn tréo cả tay. Thậm chí, đã có trường hợp một anh đẹp trai bị hai cô gái cùng lôi mạnh đến nỗi rách đôi người.
Một vài đàn ông khôn ngoan, thà chết chứ không lấy vợ, thà bị thương chứ không chịu làm nô lệ, bèn đeo vào người nhiều phụ kiện như găng tay, mũ, áo khoác… Khi bị đàn bà lôi, các thứ này rời ra và họ trốn thoát.
Tỷ lệ đàn ông trốn thoát ngày càng nhiều khiến chính quyền (xin nhắc lại là lúc ấy toàn do đàn bà cai quản) ra một chỉ thị: Tất cả đàn ông đều phải đeo một sợi dây thừng vào cổ.
Đây là một quyết định rất độc đáo, rất sáng tạo, dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học và trên kết quả của hàng trăm cuộc hội thảo, nó khiến đàn ông không cách gì trốn khỏi số phận được.
Ở bất cứ đâu, ở bất kỳ lúc nào, phụ nữ thấy đàn ông vừa mắt là chỉ việc tiến tới, nắm sợi dây thừng mà lôi. Có nhà nghiên cứu nói rằng phương pháp này xuất phát từ dây cương ngựa nhưng đàn ông hoàn toàn bác bỏ điều này.
Thời gian qua đi. Phụ nữ ngày càng trở nên xinh đẹp và quý hiếm, còn đàn ông ngày càng thừa thải.
Đàn ông lúc này chỉ mong được đàn bà tóm nhưng cơ hội trở nên ít ỏi. Có nhiều anh cả đời lang thang ngoài vỉa hè, vươn cổ ra mong được cô nào túm lấy nhưng vẫn mãi mãi cô đơn.
Một số anh chợt nảy ra sáng kiến. Thay vì đeo dây cổ là dây thừng, họ bèn đeo dây chuyền vàng. Thậm chí vàng có khảm kim cương. Một vài cô chả ham anh ta, nhưng lại ham sợi dây, thế là mắc mưu, tóm lấy lôi đi.
Nhưng cũng có vài cô kinh dị, lôi ra chỗ vắng hoặc chỗ tối, tháo cướp lấy dây chuyền rồi vứt đàn ông đấy, bỏ chạy. Cũng may số ấy không nhiều.
Nếu các bạn để ý, các bạn sẽ thấy đàn ông càng xấu trai hoặc càng dốt nát - hoặc cả hai - thì càng đeo dây chuyền lớn và đắt tiền. Họ cần phải có mồi to!
Lê Hoàng
Ngày xưa - cái thời mà nhân loại còn ở vào chế độ mẫu hệ, nghĩa là đàn bà làm sếp - đàn ông không đeo dây chuyền, và nói chung, họ chả đeo gì cả. Chỉ cần đeo cái kiếp đàn ông cũng đủ khổ lắm rồi.
Cũng ngày xưa, giữa đàn ông và đàn bà không hề có cái gọi là tình yêu. Chỉ có sự chiếm đoạt. Đàn bà đi trên đường phố, thấy chàng trai nào trẻ đẹp hoặc khỏe mạnh thì bắt về ép phải làm chồng.
Nhưng bắt bằng gì? Đầu tiên là bằng lưới. Đàn bà đi đâu cũng thủ sẵn một cái lưới bên mình, thấy đàn ông nào ngon là quăng ra chụp lấy.
Phương pháp này hay, chắc chắn vì hầu như lưới đã tung ra là đàn ông hết cách vẫy vùng. Nhưng có nhiều nỗi bất tiện vì đàn ông có nhiều loại, loại nhỏ quá thì dễ chui lọt lưới, còn loại to quá thì lưới không vừa. Hậu quả là có nhiều đàn ông trốn thoát.
Phương pháp thứ hai là dùng mồi nhử. Đàn bà nấu những mâm cơm ngon, rượu thịt ê hề bày ra vỉa hè. Đàn ông ham nhậu, sà vào ăn uống đến khi say là đàn bà ung dung ra nhặt lấy, mang về.
Phương pháp này có lợi là có thể bắt được nhiều đàn ông một lúc, nhưng chi phí rất tốn kém. Đó là chưa kể một vài đàn ông uống mãi không say, hoặc một số đàn ông cực tốt chả khi nào chịu uống, đàn bà chả khi nào tóm được.
Phương pháp thứ ba là dùng nghệ thuật. Đàn bà bỏ công sức ra tập hát, tập múa biểu diễn khiến đàn ông nô nức kéo đến xem. Đang xem thì đàn bà khóa cổng lại, dùng xe tải tới vây bắt. Cách này tuyệt vời là bắt được cả đàn. Nhưng đàn bà quá lạm dụng nó. Họ tập múa qua loa hoặc tập hát sơ sài, đàn ông không tới mà toàn đàn bà và trẻ con tới coi, nên năng suất và sản lượng đánh bắt đều giảm.
Cuối cùng, trước nguy cơ không tóm được những đàn ông cần thiết, chính quyền (lúc ấy toàn do đàn bà nắm giữ) ban bố một điều luật kinh khủng: hễ đàn bà gặp đàn ông ở đâu, là có thể túm lấy bất kỳ một chỗ nào trên cơ thể để lôi về.
Luật ban ra, đàn bà reo hò và xông tới các vỉa hè, các trụ sở công ty. Gặp anh có tay dài họ nắm tay, gặp ông có chân dài họ lôi chân, gặp chàng có tai to họ kéo tai, gặp chàng có tóc họ sợ gì mà không kéo tóc. Vì thế mới có câu “Nắm chàng có tóc chứ không nắm chàng trọc đầu”.
Phương pháp này rất hiệu quả, tuy nhiên số đàn ông bị thương vong quá nhiều. Kẻ thì sứt tai, kẻ thì rách mũi, kẻ thì bị vặn tréo cả tay. Thậm chí, đã có trường hợp một anh đẹp trai bị hai cô gái cùng lôi mạnh đến nỗi rách đôi người.
Một vài đàn ông khôn ngoan, thà chết chứ không lấy vợ, thà bị thương chứ không chịu làm nô lệ, bèn đeo vào người nhiều phụ kiện như găng tay, mũ, áo khoác… Khi bị đàn bà lôi, các thứ này rời ra và họ trốn thoát.
Tỷ lệ đàn ông trốn thoát ngày càng nhiều khiến chính quyền (xin nhắc lại là lúc ấy toàn do đàn bà cai quản) ra một chỉ thị: Tất cả đàn ông đều phải đeo một sợi dây thừng vào cổ.
Đây là một quyết định rất độc đáo, rất sáng tạo, dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học và trên kết quả của hàng trăm cuộc hội thảo, nó khiến đàn ông không cách gì trốn khỏi số phận được.
Ở bất cứ đâu, ở bất kỳ lúc nào, phụ nữ thấy đàn ông vừa mắt là chỉ việc tiến tới, nắm sợi dây thừng mà lôi. Có nhà nghiên cứu nói rằng phương pháp này xuất phát từ dây cương ngựa nhưng đàn ông hoàn toàn bác bỏ điều này.
Thời gian qua đi. Phụ nữ ngày càng trở nên xinh đẹp và quý hiếm, còn đàn ông ngày càng thừa thải.
Đàn ông lúc này chỉ mong được đàn bà tóm nhưng cơ hội trở nên ít ỏi. Có nhiều anh cả đời lang thang ngoài vỉa hè, vươn cổ ra mong được cô nào túm lấy nhưng vẫn mãi mãi cô đơn.
Một số anh chợt nảy ra sáng kiến. Thay vì đeo dây cổ là dây thừng, họ bèn đeo dây chuyền vàng. Thậm chí vàng có khảm kim cương. Một vài cô chả ham anh ta, nhưng lại ham sợi dây, thế là mắc mưu, tóm lấy lôi đi.
Nhưng cũng có vài cô kinh dị, lôi ra chỗ vắng hoặc chỗ tối, tháo cướp lấy dây chuyền rồi vứt đàn ông đấy, bỏ chạy. Cũng may số ấy không nhiều.
Nếu các bạn để ý, các bạn sẽ thấy đàn ông càng xấu trai hoặc càng dốt nát - hoặc cả hai - thì càng đeo dây chuyền lớn và đắt tiền. Họ cần phải có mồi to!
Lê Hoàng